Trong phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm Bộ Tài chính muốn giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Hiện quỹ này còn 1.000 tỷ đồng, nhưng không chi lần nào từ khi lập tới nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, sau gần 12 năm trích nộp, quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro. Do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.
Theo luật hiện hành cũng đã có quỹ dự trữ bắt buộc, có cùng mục đích hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Theo ông Thanh, việc duy trì đồng thời cả hai quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.
Cơ quan thẩm tra đề nghị dừng trích nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập quỹ.
Bộ trưởng Tài chính thông tin thêm, hiện tại mức trích nộp của quỹ này là 0.3%, nếu lo về gánh nặng cho doanh nghiệp thì có thể giảm xuống 6-10 lần nhưng cần phải duy trì quỹ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Theo ông Hồ Đức Phớc, chúng ta không thể đảm bảo 100% các công ty bảo hiểm không gặp vấn đề như vỡ nợ hay vấn đề bất thường khác. Nếu không có quỹ này thì nhà nước sẽ không có công cụ nào để can thiệp vào khi xảy ra vấn đề. Ông Phớc dẫn ví dụ về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19 vừa qua. Từ đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là cần thiết để chia sẻ với người đóng, mua bảo hiểm.
“Mục đích quỹ này chỉ chi cho người lao động chứ không dùng cho việc khác. Chúng tôi nghĩ cần phải duy trì quỹ này. Chúng tôi nêu ý kiến như vậy để Thường vụ Quốc hội xem xét”, ông Phớc nói.
Bình luận