Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào chiều 23/11. Kỳ họp này sẽ diễn ra trong 26 ngày với khối lượng công việc lớn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết khác.
Đối với công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội sẽ quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, gồm các báo cáo của Chính phủ: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội sẽ nghe báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường do Formosa gây ra và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Với việc khắc phục hậu quả Formosa, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ đang thực hiện và Quốc hội đã có Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vào giám sát sớm, có kiến nghị. Quốc hội yêu cầu Formosa phải thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường mới được đi vào hoạt động.
Hiện tại, Chính phủ đang thực hiện rà soát, đánh giá, giải ngân khoản tiền đền bù của Formosa.
Video: Nợ công sắp vượt trần, Tổng thư ký Quốc hội thông tin mới nhất
Ngoài ra, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Bình luận