Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được Quốc hội Ukraine phê chuẩn theo đề xuất của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 23/2, trong bối cảnh nước này chuẩn bị nguy cơ một cuộc xung đột với Nga.
Tình trạng khẩn cấp ở Ukraine có hiệu lực vào lúc đêm ngày 23/2 (theo giờ địa phương), sẽ kéo dài 30 ngày và có thể được gia hạn thêm 30 ngày.
Tình trạng khẩn cấp cho phép các nhà chức trách áp đặt các hạn chế về di chuyển, ngăn chặn các cuộc biểu tình, cấm hoạt động đảng phái và tổ chức chính trị “vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng”, kiểm soát truyền thông cũng như kiểm tra tài liệu cá nhân.
Trước đó, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho biết tuyên bố tình trạng khẩn cấp được áp dụng trên toàn Ukraine, ngoại trừ hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk.
Quốc hội Ukraine thông qua tình trạng khẩn cấp khi căng thẳng giữa nước này và Nga đang bị đẩy lên mức cao trào, với đỉnh điểm là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập đối với các khu vực ly khai ở vùng Donbass phía đông Ukraine.
Căng thẳng giữa Kiev và Moskva cũng có nguy cơ leo thang hơn nữa sau khi Quốc hội Nga cho phép ông Putin triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài, giúp chính thức hóa việc điều quân tới các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk.
QUyết định cộng nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk của Nga vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và đồng minh phương Tây. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước khác đều đã áp lệnh trừng phạt đối với Nga và các vùng ly khai.
Bình luận