Chiều 9/1, trong chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua với 449/489 đại biểu có mặt nhấn nút tán thành (chiếm 90,52%), 29 vị không tán thành và 11 vị không biểu quyết.
Trình bày báo cáo trước khi đại biểu biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với Chiến lược và các Nghị quyết về phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương đã được ban hành. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết để cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp dưới, bảo đảm yêu cầu bao quát, ngắn gọn.
Đối với đề nghị bổ sung định hướng hình thành cơ quan điều phối vùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện tại điểm đ khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động hội đồng điều phối vùng gắn với các nhiệm vụ điều phối, thúc đẩy liên kết cụ thể; nghiên cứu việc xây dựng cơ chế về phối hợp nguồn lực giữa các địa phương.
Đồng thời, cơ quan chức năng sắp xếp lại kết cấu của dự thảo Nghị quyết về vùng kinh tế - xã hội, vùng động lực phát triển, hành lang kinh tế để làm rõ hơn sự liên kết. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn các nội dung theo ý kiến đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong các quy hoạch vùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu chỉnh lý danh mục là danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, rà soát đưa một số dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông đang được triển khai và sẽ tiếp tục được triển khai, một số dự án có vai trò quan trọng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ quy hoạch và giai đoạn tiếp theo đã được xác định trong Chiến lược phát triển, các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Các dự án khi được nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư nếu đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải trình Quốc hội xem xét, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ được bổ sung vào danh mục này như quy định tại khoản 2 Điều 13 dự thảo Nghị quyết…
Liên quan đến đề nghị làm rõ thêm cơ sở xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế các vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng cao hơn so với tốc độ phát triển trung bình chung của quốc gia, trong khi quy mô kinh tế các vùng này ở mức cao hơn nhiều so với bình quân chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, mục tiêu tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, các mục tiêu này cũng thể hiện định hướng tập trung nguồn lực cho 2 vùng động lực để phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư, bảo đảm vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của quốc gia.
Về ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi không gian biển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết phạm vi không gian biển được quy định tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển.
Do đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ đưa ra những định hướng lớn về phát triển không gian biển; các nội dung về việc phân vùng chức năng, sắp xếp, phân bổ và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời sẽ được xác định cụ thể trong Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Ngoài các nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, các ý kiến cụ thể đã được nghiên cứu tiếp thu, giải trình trong Báo cáo đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Hồ sơ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu ý kiến sửa đổi về câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết.
Trên cơ sở Báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Bình luận