• Zalo

Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tin nóngThứ Ba, 28/11/2023 15:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với 386 đại biểu tán thành (78,14 %) trong tổng số 463 đại biểu tham gia, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chiều 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Kết quả, có 386 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 78,14% trong tổng số 463 đại biểu.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (TGBVANTT) ở cơ sở; có 27 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tham gia, 1 ý kiến phát biểu tranh luận và 1 ĐBQH gửi ý kiến tham gia.

Cơ bản ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với dự thảo Luật Lực lượng TGBVANTT ở cơ sở đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời đánh giá Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật được chuẩn bị chu đáo, giải trình khá toàn diện các ý kiến tham gia.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung vào một số nhiệm vụ độc lập của lực lượng này tại các điều 7, 8, 10 và 12 dự thảo Luật để thể hiện quyền hạn gắn liền với nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng này khi thực hiện các nhiệm vụ độc lập.

Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động (Điều 4) và quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ (Điều 5), UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 4 và các quy định có liên quan tại Điều 3 và khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật để xác định rõ lực lượng TGBVANTT ở cơ sở chịu sự lãnh đạo “toàn diện” của cấp ủy Đảng, sự quản lý, “chỉ đạo, điều hành” của Ủy ban nhân dân cấp xã. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 13), UBTVQH xin tiếp thu và đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 13 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, trường hợp trên 70 lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.

Cơ quan chức năng cũng chỉnh lý quy định trình độ văn hoá là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

Một số ý kiến đề nghị quy định khung mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức bồi dưỡng cho lực lượng này hoặc quy định khung theo vùng, miền. Có ý kiến cho rằng, đây là lực lượng tự nguyện, tự quản do cộng đồng thành lập nên do cộng đồng đóng góp để chi trả, không được sử dụng ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề này, UBTVQH đề nghị kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng TGBVANTT ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ với 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,93 %).

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn