Nghị quyết nêu rõ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ dự kiến sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 -2020 cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.
Giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến hơn 118.700 tỷ đồng, bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia và hơn 63.700 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Trường hợp giải phóng mặt bằng rộng hơn mức quy định, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về quy mô và sử dụng vốn từ nguồn vốn được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư dự án được thực hiện từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.
Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý Dự án.
Nghị quyết nêu rõ bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cần khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo số 197 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực tham gia đầu tư Dự án. Ban hành tiêu chí, nguyên tắc, phân bổ vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án hợp lý và cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.
Đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công tư, sau khi nhà đầu tư chuyển giao lại công trình, nghiên cứu tiếp tục thu phí để hoàn trả phần vốn đầu tư của Nhà nước.
Trường hợp dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình luận