• Zalo

Quốc hội đề nghị làm rõ quản lý nhà nước về cấp phép, phân loại phim

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 23/10/2021 10:42:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh cần làm rõ quản lý nhà nước về điện ảnh, thẩm quyền cấp phép phân loại phim.

Sáng 23/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc ban hành Luật Điện ảnh sửa đổi là cần thiết. Bởi Luật Điện ảnh hiện hành sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh là công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam, quốc tế trong và ngoài nước cùng chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

Quốc hội đề nghị làm rõ quản lý nhà nước về cấp phép, phân loại phim - 1

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật Điện ảnh hiện hành chưa theo kịp, phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; cũng như đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Luật Điện ảnh phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ thông qua là tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật Điện ảnh gồm gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Dự thảo Luật Điện ảnh loại bỏ nộ dung "phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện” vì dự thảo luật quy định điều kiện chung để tiến hành các hoạt động phát hành phim cần tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, phim xuất khẩu phải có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng, phim nhập khẩu phim phải đảm bảo không vi phạm khoản 1 Điều 10. Do vậy, quy định điều kiện kinh doanh đối với phát hành phim là không cần thiết đồng thời việc bỏ điều kiện sẽ khuyến khích lĩnh vực phát hành phim phát triển.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh như các lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa cho rằng, cơ quan soạn thảo luật cần làm rõ quản lý nhà nước về điện ảnh, thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; tiêu chí phân loại phim theo hướng cụ thể, rõ ràng; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; sản xuất, phát hành và phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu chiểu, lưu trữ phim; và một số vấn đề khác.

Quang Tuyền - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn