• Zalo

Quốc hội có thể họp cả buổi tối như cách làm của Hội nghị Trung ương

Chính trịThứ Ba, 15/10/2024 14:34:38 +07:00Google News
(VTC News) -

Quốc hội có thể họp thêm vào buổi tối như cách làm của Hội nghị Trung ương để bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 các nội dung được Chính phủ đề nghị.

Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi phát biểu kết luận tại hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng Đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 15/10.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Đảng đoàn Quốc hội sẽ quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo chủ chốt và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: quochoi.vn)

Cụ thể là đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời các luật, nghị quyết trình Quốc hội có chất lượng, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có "tuổi thọ" cao; quán triệt sâu sắc Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đến thời điểm này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng Đoàn Quốc hội thống nhất về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8.

"Các cơ quan sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tăng thời gian họp nếu cần thiết, có thể vào cuối tuần và thậm chí cả buổi tối như cách làm của Hội nghị Trung ương để bổ sung vào chương trình kỳ họp các nội dung được Chính phủ đề nghị nếu đủ điều kiện, tài liệu để trình", Chủ tịch Quốc hội đề cập.

Chủ tịch Quốc hội quán triệt tinh thần chung là đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, hồ sơ, nghiên cứu trước các nội dung dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chất lượng các dự án luật, Nghị quyết trước hết là do cơ quan, bộ ngành được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo (nhất là đối với các dự án luật, nghị quyết trình theo quy trình rút gọn, thông qua tại 1 kỳ họp).

"Việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải ngồi với nhau, kể các các đồng chí lãnh đạo, trưởng ngành trên tinh thần xây dựng, trao đổi, tranh luận, có lý lẽ khoa học, thực tiễn, để đi đến thống nhất phương án", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời để đại biểu Quốc hội, cử tri hiểu rõ và đồng thuận với những nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, hoàn thiện công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn... để kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả.

Theo báo cáo tại hội nghị, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 42 nội dung, nhóm nội dung. Bao gồm: 30 nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nội dung, nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác nhân sự, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Bình luận
vtcnews.vn