Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng trong tháng 4

Thời sựThứ Sáu, 18/03/2016 06:56:00 +07:00

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhân sự được bầu lại lần này gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhân sự được bầu lại lần này gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Riêng về các cơ quan bộ, ngang bộ sẽ chờ Thủ tướng trình.

Chiều 18/3, tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 11, ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp khai mạc vào ngày 21/3 và dự kiến bế mạc vào 12/4. Trong 19 ngày làm việc, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, quyết định nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là kiện toàn công tác nhân sự Nhà nước.
Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: VGP
Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: VGP
Theo chương trình dự kiến, Quốc hội dành 10 ngày rưỡi (từ 31/3 đến 12/4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhân sự được bầu lại lần này gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Riêng cơ quan bộ, ngang bộ sẽ chờ Thủ tướng trình.

Giải thích lý do có sự chuyển giao quyền lực sớm hơn 3 tháng so với quy định, ông Phúc nói: "Một số chức danh sau Đại hội Đảng không tham gia Trung ương khóa mới, trong khi chúng ta đang tiến hành bầu cử Quốc hội khóa 14 và đến tháng 7 mới diễn ra kỳ họp thứ nhất. 2016 là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu 5 năm của Đại hội Đảng khóa XII (2016-2021) nên cần động lực mới, khí thế mới để thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ".

Theo Tổng thư ký Quốc hội, đây không phải là vấn đề mới, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 11 đã kiện toàn chức danh lãnh đạo nhà nước, như: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Lúc đó, ông Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Sinh Hùng được Quốc hội phê chuẩn bầu chức danh Phó thủ tướng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về số lượng đơn từ nhiệm của các chức danh chuẩn bị được bầu lại, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nhiệm kỳ của các chức danh là 5 năm nhưng trong 5 năm đó, Quốc hội vẫn có quyền bãi nhiệm. Điều 10 của Luật tổ chức Quốc hội quy định người từ nhiệm phải có đơn, nhưng điều 11 lại nói rõ theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền bầu chức danh đó thì Quốc hội có quyền miễn nhiệm.

"Miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội có quy trình. Phê chuẩn thành viên Chính phủ cũng vậy, dù một hay nhiều người cũng phải theo đúng quy định. Nếu đầu nhiệm kỳ chỉ bầu và phê chuẩn mới thì kỳ này phải thực hiện cả hai việc miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn, do đó cần có tờ trình, cho ý kiến, bỏ phiếu, kiểm phiếu…", ông Phúc giải thích về việc Quốc hội dành tới 10,5 ngày để làm công tác nhân sự.

Trước đó tại Đại hội Đảng XII diễn ra vào cuối tháng 1, Ban chấp hành Trung ương Đảng XI giới thiệu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.

Nguồn: VNE

Bình luận
vtcnews.vn