Bộ luật lao động (sửa đổi) với 17 chương, 220 điều vừa được Quốc hội thông qua sáng nay, 20/11 với 435 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 9 phiếu trắng.
Đối với tuổi nghỉ hưu, Quốc hội đã quyết định theo phương án "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035".
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ".
Mốc tăng tuổi hưu lên 60 với nữ, 62 với nam được Thường vụ Quốc hội đánh giá là bảo đảm sự phù hợp với quy mô, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019). Trong khi đó, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người dân càng tăng (tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi).
Về vấn đề này, theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam và đang trong xu thế tăng hơn nữa lên hơn 65 tuổi trong tương lai. Mức tăng tuổi nghỉ hưu đề xuất trong dự thảo Bộ luật lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới.
Việc Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao Động (sửa đổi) đã khép lại những tranh cãi về nới khung giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu và giờ làm việc bình thường.
Đối với việc tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chọn phương án tăng thêm ngày cận kề ngày Quốc khánh 2-9. Theo đó, ngày Quốc khánh nước ta, người lao động sẽ được nghỉ hai ngày. Tại báo cáo nêu rõ lý do, đây là ngày Tết Độc lập, cũng là dịp để người lao động có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 2/9.
Về việc có tăng khung giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò, sau đó đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm tối đa (300 giờ/năm).
Phát biểu tại Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, đa số các ĐBQH đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Với quy định mới này, người sử dụng lao động có thể huy động giờ làm thêm theo mùa (thêm 10 giờ mỗi tháng) nhưng không được vượt quá 300 giờ/năm.
Bình luận