• Zalo

Quên mình cứu 4 em nhỏ: Dũng cảm và vô cảm!

Thời sựThứ Năm, 09/05/2013 10:55:00 +07:00Google News

Đất nước rất cần những người anh hùng như em Nam, nhưng len lỏi đâu đó trong xã hội vẫn còn thói vô cảm đang dần ăn mòn trong giới trẻ hiện nay.

Hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi và thăm hỏi.

Đất nước rất cần những hành động quả cảm, những người anh hùng như thế. Nhưng, len lỏi đâu đó trong xã hội vẫn còn thói vô cảm đang dần ăn mòn trong giới trẻ hiện nay.

Quên mình cứu 4 em nhỏ: Dũng cảm và vô cảm!
Di ảnh Nguyễn Văn Nam 

Sau sự việc em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương I quên mình cứu 4 em nhỏ giữa dòng nước sông Lam chảy xiết vào ngày 30/4 vừa qua, dư luận cũng như cộng đồng xã hội hết sức quan tâm, sẻ chia, cảm phục.

Hành động dũng cảm cứu người của em Nam thực sự trở thành tấm gương sáng của tuổi trẻ. Qua hành động ấy, em Nguyễn Văn Nam đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi và thăm hỏi. Đất nước rất cần những hành động quả cảm, những người anh hùng như thế. Nhưng, len lỏi đâu đó trong xã hội vẫn còn thói vô cảm đang dần ăn mòn trong giới trẻ hiện nay.

“Tôi vô cùng xúc động trước hành động dũng cảm quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Em là tấm gương sáng cho thanh thiếu niên cả nước học tập...”

Mảnh đất xứ Nghệ hiếu học và kiên cường, dũng cảm từ ngàn đời được khắc ghi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Mảnh đất đầy nắng và gió Lào mỗi độ hè về làm rát bỏng cả tấm lưng con trẻ từ lúc lọt lòng cho đến khi trưởng thành vẫn chẳng thể nào quên. Thiên nhiên khắc nghiệt chừng nào thì con người nơi đây lại kiên cường, không chịu gục ngã mà đứng lên chống chọi để sống.

Mảnh đất xứ Nghệ cũng là nơi ghi dấu ấn tuổi thơ của không ít danh nhân văn hóa, anh hùng kiệt xuất. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người con xứ Nghệ đã anh dũng hy sinh, hóa thân vào đất đai xứ sở để giành lấy tự do, yên bình cho cuộc sống hôm nay. Trang sử hào hùng được lớp lớp mai sau tiếp nối, ghi ơn.

Và, việc học sinh Nguyễn Văn Nam ở huyện Đô Lương cứu sống 4 em nhỏ đã trở thành tấm gương về lòng dũng cảm. Cứu người mà không nghĩ đến thân mình là tấm gương sáng trong xã hội hiện nay. Hơn nữa, Nam là một học sinh lớp 12 mới lớn, biết bao hoài bão, biết bao mơ ước chẳng thể kịp thực hiện.
Quên mình cứu 4 em nhỏ: Dũng cảm và vô cảm!
Trích thư Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 

Rồi bố mẹ, gia đình, người thân còn đó nỗi niềm thương tiếc khi em mãi lìa xa cõi đời này! Hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Nam đã để lại cho thế hệ trẻ bài học làm người: Không thể vô cảm trước yêu cầu cần cứu giúp của người khác.

Bên cạnh tấm gương sáng của em Nguyễn Văn Nam, dư luận thời gian qua vẫn không thể quên được những hình ảnh bạo lực học đường vẫn còn xảy ra. Cảnh “nữ sinh đánh bạn”, “học trò chửi tục, đe dọa mạng sống thầy cô”, “Con giết cha, đe dọa mẹ”, “Rủ bạn đi cướp, giết, hiếp”… mà đối tượng chủ yếu đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn còn tồn tại. Hàng năm, không chỉ riêng địa bàn tỉnh Nghệ An mà trên phạm vi cả nước, số vụ phạm pháp, trong đó đối tượng đang ở tuổi vị thành niên không phải là ít.

Nhiều vụ giết người mà đối tượng là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Thấy một em nhỏ bị nạn nằm bê bết máu giữa đường mà không hề quan tâm, cứu giúp. Hay như việc lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép làm mất an toàn giao thông cho người đi đường, bất chấp việc pháp luật nghiêm cấm. Đó là hàng loạt vụ việc học sinh tổ chức tụ tập chơi hêrôin, “đập đá” trong khách sạn… mà quên hết hiếu nghĩa với bố mẹ. Là lối sống ích kỷ, thiếu lòng tự tôn dân tộc…

Đó là sự vô cảm trong nhân cách của một con người. Bổn phận của giới trẻ là học tập và cống hiến những việc làm có ích cho xã hội. Thử hỏi, những hành động vô đạo đức, mất nhân cách làm người có nên để xảy ra trong giới trẻ hiện nay?

Vẫn phải đề cập rằng, việc giáo dục nhân cách của một con người từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành là do nhiều yếu tố cấu thành mà nên. Nhưng, những “tấm gương đen” tồn tại đã phần nào làm mất đi giá trị làm người của không ít giới trẻ. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng là sự vô cảm. Chính sự vô cảm trước cuộc sống đang làm xấu đi một hình ảnh đẹp của con người trong xã hội hiện nay.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, câu ca dao tự ngàn đời đã nhắn nhủ chúng ta biết yêu thương giống nòi. Và, trên hết là phải biết yêu thương, sẻ chia, làm những việc có ích cho gia đình và xã hội. Đừng để lòng vô cảm “án ngự” trong tâm hồn của giới trẻ.



Theo Công an Nghệ An

Bình luận
vtcnews.vn