• Zalo

Quay clip ân ái tố sếp: "Cả ba nhân vật đều băng hoại"

Thời sựThứ Bảy, 21/04/2012 08:18:00 +07:00Google News

(VTC News) - Theo Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, trong câu chuyện quay clip ân ái để tố sếp, cả ba nhân vật đều băng hoại và có động cơ riêng.

(VTC News) - “Khi nhìn câu chuyện lùng nhùng này, chúng ta không nên sa vào tiểu tiết, mà hãy bóc tách chân dung của 3 người đấy, cả 3 đều có sự băng hoại và có động cơ riêng của mình khi làm việc này”, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định.
Xung quanh vụ việc nữ bác sỹ H.T.B.N. quay clip ân ái để tố ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm y tế Đường bộ 2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện Xã hội học Việt Nam để có cái nhìn đa chiều hơn về câu chuyện này.
- Thừa ông, là một nhà nghiên cứu xã hội, ông đánh giá thế nào về vụ việc nữ bác sỹ H.T.B.N. quay clip ân ái để tố ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm y tế Đường bộ 2?
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình:
Trên thế giới việc dùng cách bẫy lừa nhau, vì quan danh hoạn lộ vẫn diễn ra, chứ không phải bây giờ mới có.
Câu chuyện này mọi người thoạt nhìn như chuyện tình tay ba, nhưng thực tế không phải vậy. Anh H. chồng bác sỹ N. đã không dám đối đầu trực tiếp với ông Cường, dù họ có nói là đã có một lần tới nói chuyện trực tiếp với ông Cường, nhưng thực tế thì khó lòng tin được, và chỉ dám lấy người vợ ra để bẫy người khác vì động cơ vị kỷ. 
Còn bác sỹ N. thì chấp nhận tình cảm của ông Cường có lẽ cũng có mục đích nhất định, chẳng hạn như có thể chưa đủ thời gian công tác và điều kiện để được đi học nhưng vẫn được đi, dù cô có nói rằng cũng có một phần tình cảm với ông Cường, nhưng sẽ chẳng ai tin điều đó.
Còn Giám đốc Cường, vì mục đích quan hệ đã dùng lợi thế của người quản lý để ràng buộc, bủa vây nhằm giành được mục đích của mình.
Khi nhìn câu chuyện lùng nhùng này chúng ta không nên sa vào tiểu tiết, mà hãy bóc tách chân dung của 3 người đấy, cả 3 đều có sự băng hoại và có động cơ riêng của mình khi làm việc này.
Và nếu sự việc không bị vỡ lở ra, thì có thể câu chuyện này vẫn tiếp tục, người này vẫn dựa vào người kia để thăng tiến, để đạt được mục đích của mình.

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình. 

- Câu chuyện này, phải chăng phản ánh hiện tượng có một số người có chức, có quyền đang có lối sống không lành mạnh?
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Từ đấy ta có thể thấy rằng, phải chăng trong cuộc sống còn rất nhiều những câu chuyện như vậy vẫn diễn ra, vì động cơ vị kỷ để người ta có thể gặt hái được những lợi ích của mình mà sẵn sàng làm tất cả. Câu chuyện này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, khi dùng động cơ để thăng tiến, khi có mâu thuẫn lợi ích mới bộc lộ ra, và làm sụp đổ tất cả. Tôi dám chắc kết thúc câu chuyện này cả hai bên đều sẽ mất tất cả.
Có thể nói là đang có một bộ phận đáng kể như thế, không phải bây giờ mới rộ lên. Ở đây họ đều là những người trí thức, những người thầy đi rao giảng đạo đức cho xã hội, nhưng cũng chính họ đã làm mất đi hình ảnh của chính mình.
- Trong câu chuyện này cả 3 người đều là người thầy, nhưng lại có cách sống, cánh ứng xử thiếu lành mạnh, ông đánh giá gì về tư cách người thầy ở đây?
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Kết thúc câu chuyện, họ sẽ nói gì với con cái, họ hàng, đồng nghiệp của họ? Họ đều được xã hội tôn vinh là những người thầy, mối quan hệ của người thầy thuốc trong quan hệ với người bệnh, với cộng đồng là sự giao thoa rất nhiều chiều, là những người có y đức, nhân hậu… Nhưng ở đây họ đã tạo ra hình ảnh xấu, làm mất đi lòng tin của mọi người.
- Ông có đánh giá gì về mức độ ảnh hưởng của câu chuyện này với giới trẻ, khi những người trong câu chuyện không chỉ là người thầy, mà còn là người bố, người mẹ?
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Khi câu chuyện này vỡ lở, hành vi của bố mẹ không chỉ làm những đứa con bị sốc, mà còn bị khủng hoảng. Cái xấu không chỉ dừng lại ở chỗ thiếu thủy chung, còn là những con người mưu mô, toan tính… chắc chắn đấy đều không phải là tâm gương giáo dục tốt cho con cái.
- Gia đình bác sỹ N. đã lựa chọn cách đưa sự việc ra công luận, theo ông đây có phải là cách làm tốt nhất và duy nhất?
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Chắc chắn cách làm này là không phải tốt nhất, càng không phải là duy nhất đúng, bởi vì chuyện này không chỉ gây điều tiếng với người đời, mà thậm chí không bao giờ có thể gột rửa được. Dù có đưa ra lý do gì để biện minh đi nữa, tất cả đó đều là ngụy biện.
Theo tôi, hai bên có thể ngồi lại với nhau để trao đổi, lựa chọn cách làm tốt nhất cho cả hai, làm sao lợi ích của cả hai đều được đảm bảo, chứ không phải đem sự việc ra thế này, để rồi cả hai bên đều mất sạch mọi thứ, từ công danh tới gia đình, còn để lại điều tiếng xấu cho con cái…
Qua đây ta cũng có thể thấy rằng xã hội còn rất nhiều việc phải làm, để nó trở thành là nơi tràn ngập tình yêu thương giữa người và người.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Việt – Nguyễn Dũng


Bình luận
vtcnews.vn