Mặc gì lượng khách đến những khu vườn này vẫn khá đông nhưng đa phần trong số đó là khảo giá hoặc thuê thay vì bỏ tiền ra mua những loại cây cảnh này. Tình trạng ế khách không chỉ xảy ra với những cây giá rẻ, mà ngay cả quất thế, đào cổ thụ trên chục triệu đồng cũng đang lầm vào cảnh bi đát.
Thượng vàng hạ cám đều ... ế
Tham khảo tại các vườn đào, quất ở Tứ Liên (Hà Nội), về mặt bằng chung giá không có nhiều thay đổi so với năm trước, tuy nhiên lượng khách tới mua và thuê lại ít hơn hẳn so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.
Thị trường đào năm nay khá đa dạng về chủng loại, kiểu dáng cũng như mức giá. Đào cành các loại như đào phai, bích đào... có giá từ 50.000 - 300.000 đồng, đào rừng mang xuống từ Mộc Châu, Lạng Sơn có giá cao hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi cành, nếu cành to và nhiều hoa giá có thể lên tới 2 - 3 triệu đồng.
Cảnh tượng ủ rũ dễ nhận thấy của những người bán đào trên đường Nhật Tân (Hà Nội) (Ảnh: Nguyễn Lê)
Ông Hùng, chủ một vườn đào ở Tứ Liên cho biết, nếu như mọi năm, vào tuần sát Tết đào sẽ được bán rất mạnh thì năm nay tình hình lại khá căng. Hàng ngày, vườn của ông đón khá nhiều lượt khách tới xem nhưng chủ yếu chỉ là khảo giá, nếu có mua cũng chỉ chọn những cây giá thấp từ 1 - 3 triệu đồng.
Với loại đào cổ thụ, giá trên 10 triệu năm nay người thuê đã ít chứ đừng nói gì là mua, ông Hùng than thở.
Theo ông Hùng, cả vườn có 200 gốc đến giờ khách mới đặt thuê được gần một nửa, nếu không có ai hủy thì đến Tết hòa vốn là may, chủ vườn bi quan về tình hình trước mắt.
Tương tự như đào vườn, đào rừng cũng đang trong tình trạng xem nhiều hơn mua. Dạo qua tuyến phố Lạc Long Quân (Hà Nội), mặc dù loại đào này được bày bán khá nhiều và mức giá không hề tăng hơn so với năm trước nhưng cảnh chủ hàng ngồi ngáp ngắn, ngáp dài vẫn rất phổ biến.
Chị Hòa, một chủ hàng tại đây cho biết, năm nay do kinh tế khó khăn nên chỉ dám nhập về 30 cành đào Lạng Sơn. Giá cả mặc dù đã khá bình dân từ 1 - 10 triệu đồng nhưng mới chỉ bán được 10 cành. Càng gần Tết giá đào sẽ càng hạ xuống, kiểu này lỗ vốn là chắc, người chủ này ngao ngán.
Quất cùng cảnh ê chề
Cùng chung cảnh ngộ "ế" như đào, nhưng tình hình của quất còn có bi thảm hơn. Do năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều khiến nhiều cây bị hỏng rễ, bung quả, trong khi đó giá lại không thể tăng hơn so với năm trước, không những thế sức mua lại èo uột đang khiến người trồng hết sức khó khăn.
Ông Đoàn, một chủ vườn có 300 cây ở Tứ Liên (Hà Nội) cho biết, riêng số cây bị hỏng từ đầu năm tới đây đã chiếm tới gần 1/4. Tuy nhiên do đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng quất nên thiệt hại mới được giảm thiểu, không như những hộ mới làm được 1 - 2 năm do mưa nhiều nên đã hỏng cả vườn, ông Đoàn kể.
Quất thế giá cao bán rất chậm trong những ngày này (Ảnh: Nguyễn Lê)
Năm nay, quất rẻ mà còn bán rất chậm thì quất đắt, quất thế làm sao mà tiêu thụ được, ông Đoàn nói về tình hình kinh doanh. Chưa cần biết có lãi được đồng nào không chỉ cần không lỗ là vui rồi nhưng xem ra khó khăn lắm, chia sẻ của ông Đoàn cũng đang là lo lắng chung của người trồng quất.
Được biết, mặc dù vườn của ông Đoàn có khá nhiều quất thế giá cao nhưng từ đầu tháng tới giờ tính cả bán và thuê cũng chỉ xấp xỉ được 10 cây. Tình hình của các khu vườn khác tại Tứ Liên (Hà Nội) cũng không khá khẩm hơn được bao nhiêu.
Anh Nam, một người đến xem quất tại đây cho biết, chủ yếu anh đến xem để khảo giá, đến 28 - 30 âm kiểu gì giá chả hạ hơn nữa, lúc đó mua cũng được.
Chia sẻ của anh Nam cũng là suy nghĩ của đa phần người mua đào, quất tại thời điểm này, càng tới sát Tết, giá sẽ càng hạ, lúc đó khách hàng sẽ được sở hữu cây cảnh vừa ý cũng như phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên tâm lý chung này sẽ khiến người trồng đào, quất đối diện với một cái Tết ảm đạm nhất trong những năm trở lại đây.
Bình luận