Câu chuyện "CSGT đuối lý" được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây xôn xao trên facebook đặt ra nhiều bài học đáng lưu tâm đối với người tham gia giao thông.
Gần đây, trên Facebook lan truyền rất mạnh mẽ câu chuyện một người phụ nữ tranh luận với CSGT. Dù người kể không chỉ ra địa chỉ con người cụ thể nhưng câu chuyện thực sự là bài học đáng lưu tâm đối với người tham gia giao thông.
Để có cái nhìn sâu hơn về góc độ pháp lý xung quanh câu chuyện thú vị này, PV đã có bài phỏng vấn Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM).
CSGT đang làm nhiệm vụ (Ảnh: Xuân Hải) |
- Gần đây cư dân mạng lan truyền một câu chuyện người dân "đối phó" với CSGT, khiến CSGT đuối lý, quan điểm của luật sư thế nào?
Tôi nghĩ việc làm của các cơ quan nhất là những cơ quan thực thi pháp luật đều phải được sự giám sát của người dân. Có sự giám sát, hiểu biết pháp luật thì việc thực thi pháp luật mới công bằng, minh bạch, công khai...
Chúng ta bấy lâu bị tâm lý “xin- cho” đè nặng. Hễ cứ bị CSGT dừng xe là xin xỏ, nhã nhặn... kiểu như: “Bác châm chước”, “Bác thông cảm”... Vì thực tế có nhiều trường hợp tỏ ra “biết luật” liền bị xử lý mạnh tay hơn, xử lý nhiều lỗi hơn. Chính vì vậy, tâm lý này ngày càng nặng nề.
Chính vì vậy, khi một ai đó “dám đấu lý” với CSGT hay một cá nhân thực hiện mệnh lệnh hành chính nào đó thì đã trở thành một hiện tượng gây chú ý. Câu chuyện mà mọi người lan truyền trên mạng không biết đúng hay sai, có thật hay không có thật nhưng nó thực sự là những câu chuyện đáng lưu tâm về việc phá bỏ “tâm lý xin-cho” giữa công dân và cá nhân, tổ chức thực thi pháp luật.
- Luật sư đồng tình với nhân vật người dân trong câu chuyện “tranh luận với CSGT”?
Tôi rất đồng tình. Xã hội công bằng, văn minh là xã hội người dân đều hiểu biết pháp luật và giám sát sự thực thi pháp luật của cơ quan hành chính Nhà nước. Công bằng ở chỗ phải coi pháp luật làm thước đo các hành xử.
Không phân biệt cá nhân thực thi mệnh lệnh hành chính với công dân phải chịu tác động của mệnh lệnh hành chính về ngôi thứ và quyền được phát biểu. Có nghĩa là, nếu cá nhân, cơ quan tổ chức thực hiện mệnh lệnh hành chính nếu làm sai vẫn phải chịu sự giám sát, lên án của người dân.
Tôi thấy nhân vật trong câu chuyện này đã rất dũng cảm khi chỉ ra những điều chưa hợp lý của CSGT. Ví dụ tác phong điều lệnh. Theo quy định, CSGT phải chào công dân sau khi dừng xe và thông báo lý do dừng xe. Người CSGT trong câu chuyện này đã chưa thực hiện đúng điều lệnh khi dừng xe. Việc người dân yêu cầu thực hiện điều lệnh là đương nhiên vì khi anh bắt lỗi người khác thì bản thân anh phải không có lỗi.
Một đoạn câu chuyện "tranh luận với CSGT" lan truyền trên mạng. |
Thế nào là người lịch sự? Có cần phải ra văn bản về người lịch sự khi ứng xử với CSGT không? Mặt khác, pháp luật không phân biệt điều này. Người thực thi pháp luật phải tuân theo pháp luật, không nên phân biệt chi tiết đến mức “chẻ sợi tóc làm tư” gây khó cho CSGT và người dân. Vô hình trung lúc đó CSGT phải nhớ trong dầu là hành vi của công dân này đã lịch sự chưa, mình nên chào hay không nên chào?
Còn người dân khi không được chào cũng phân vân mình đã lịch sự chưa và theo tiêu chuẩn nào. Đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân, còn luật vẫn là luật, ý kiến cá nhân không thể thay luật được. Trong trường hợp người dân không lịch sự mà người làm nhiệm vụ vẫn tuân thủ điều lệnh “chào” thì tôi nghĩ hình ảnh của người CSGT sẽ rất đẹp, người dân càng nể trọng, chứ đừng nói theo kiểu anh mất lịch sự tôi cũng mất lịch sự thì hóa ra người thực thi pháp luật cũng “ăn miếng trả miếng” sao?
Tôi nói như vậy phải ngoại trừ trường hợp người vi phạm có biểu hiện chống đối. Nếu có biểu hiện chống đối, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của CSGT thì lúc đó không thể thực hiện theo điều lệnh là đương nhiên.
Yêu cầu thông báo lỗi là đương nhiên
- Vậy nhân vật trong câu chuyện “đối phó với CSGT” yêu cầu CSGT thông báo lỗi trước khi giao giấy tờ có đúng không?
Đúng. Theo khoản 1 điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA của Bộ Công an, có 5 trường hợp CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát gồm các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
Trường hợp thứ hai, thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
Trường hợp thứ 3, thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
Trường hợp thứ 4, có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
Trường hợp thứ 5, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thông thường, trước khi kiểm tra giấy tờ của công dân, CSGT phải cho biết lý do dừng phương tiện đang lưu thông. Lý do sẽ là 1 trong 5 trường hợp kể trên. Nếu việc dừng xe là trường hợp thứ nhất (trực tiếp phát hiện lỗi hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện), CSGT có trách nhiệm phải thông báo lỗi cho người vi phạm biết.
- Như vậy người dân khi bị dừng xe cần yêu cầu CSGT thông báo lỗi trước khi đưa giấy tờ cho CSGT?
Đó là quyền của công dân và nghĩa vụ của CSGT. Việc thông báo lý do dừng xe còn đảm bảo sự minh bạch trong xử lý vi phạm luật giao thông. Mặt khác, ý nghĩa của việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông chính là tính răn đe, giáo dục. Chúng ta không thể giáo dục nếu chỉ có phạt mà không cho người bị phạt biết lý do. Biết lý do, người bị phạt sẽ sẵn sàng chấp hành quy định đồng thời sẽ coi đó là bài học để không tái phạm lỗi này nữa.
- Thế còn đòi hỏi xem bằng chứng về lỗi của mình thì sao?
Tại điểm d khoản 2 điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.
Như vậy, việc công dân yêu cầu người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính chứng minh lỗi là hoàn toàn hợp pháp. Phải chứng minh được lỗi của người vi phạm, người có thẩm quyền mới có quyền ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Nhiều khi có tâm lý cứ thấy có CSGT thì người dân tuân thủ luật, không có lại đâu vào đấy. Đó cũng là điều khó khăn với vấn đề an toàn giao thông ở Việt Nam chăng(?).
- Xin cảm ơn luật sư!
Bình luận