Xuất thân là một sinh viên đạt Á khoa ngành Thiết kế thời trang, nhưng cái duyên của Quang Trung với nghệ thuật diễn xuất lại là một sự tình cờ.
Cái duyên đó lại mang đến cho Quang Trung nhiều thứ. Trải qua một năm 2018 với nhiều thành công – đặc biệt là parody Bùa yêu triệu view cùng những vai diễn ấn tượng như trong Chị trợ lý của anh, Quang Trung hiện là gương mặt diễn viên trẻ được nhiều khán giả yêu thích.
Được sinh ra một lần nữa nhờ nghệ thuật
- Năm 2018 với Quang Trung có rất nhiều niềm vui. Vậy để mô tả nó bằng 3 từ, bạn sẽ chọn…
Cảm xúc, bất ngờ và trên cả mong đợi. Cảm xúc vì tôi làm tất cả mọi thứ đều dựa trên cảm xúc đầu tiên, hoặc yêu thích hoặc có cảm hứng mới làm, ví dụ như parody Bùa yêu do tôi có cảm hứng lên làm ngay, ai cũng nói tại sao sản xuất vội quá nhưng phải như vậy với có hiệu quả hơn là làm theo đơn đặt hàng. 4 ngày cho tiền kỳ, quay xong 4 ngày sau tôi làm hậu kỳ và giới thiệu đến khán giả.
Bất ngờ là tôi không dám tin những cảm xúc có thể tạm gọi là bồng bột đó lại giúp công việc của tôi phát triển nhiều hơn. Còn trên cả mong đợi là những gì tôi làm đều dựa trên cảm xúc, ít khi tính toán làm sao để bản thân trở nên hot, phải nói câu gì để có viral mạnh nên tất cả đều tự nhiên.
- Năm qua là năm tuổi của những người sinh năm 1994 như Quang Trung. Bạn có gặp chuyện gì xui xẻo không?
Phải dùng từ “xui tận mạng” (cười). Tôi lái xe về đến nhà rồi nhưng vẫn bị hư xe do cây ngã trúng. Lúc đầu, tôi thấy sao mình xui vậy nhưng nghĩ lại, trong cái rủi có cái may, nếu cây ngã trúng đầu tôi thì làm sao. Ngoài ra, tôi cũng gặp trục trặc trong nhiều chương trình hoặc bể kế hoạch, show diễn. Nhưng chốt lại, năm qua tôi vẫn có những điều được khán giả nhớ đến.
- Bạn đã hoàn thành được những dự định từng đặt ra cho bản thân vào đầu năm chưa?
Tôi không bao giờ đặt ra dự định cho năm mới cả, như năm 2017 tôi không có dự định gì nên 2018, tôi nhận được nhiều hơn những gì mình nghĩ. Tôi ngu ngơ và cảm thấy đó là một điều rất hay bởi nhìn nhận ở góc độ cá nhân, tôi thấy 6 năm làm việc của mình có những kế hoạch sắp đặt quá lại không thực hiện được.
Vì vậy, tôi cứ ngu ngơ thế thôi, không toan tính gì cả, cứ làm hết khả năng của mình sẽ được nhiều hơn những gì bản thân nghĩ.
- Nhưng với những sản phẩm của mình, bạn cũng phải có ước muốn bởi lỡ hôm nay bạn thích cái này, bạn muốn làm nhưng ngày mai lại đổi sang thích cái khác?
Nghe có vẻ hơi cảm tính đúng không, nhưng tôi vẫn có chút suy nghĩ, dự định trong đầu. Ví dụ cuối năm rồi, tôi dự định sang năm mới mình sẽ làm một clip parody hay một bộ phim điện ảnh và tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời. Đối với tôi, cảm xúc rất quan trọng, mình phải có một sản phẩm gửi đến khán giả nhưng nó phải phù hợp với cảm hứng và ý tưởng của mình cũng như các vai diễn.
Tất nhiên, ai cũng muốn xuất hiện trong những chương trình đẳng cấp, những bộ phim hay và tôi cũng vậy nhưng nó không đồng nghĩa là tôi sẽ nhận lời tất cả mà chỉ lựa chọn những dự án phù hợp, để khán giả thấy được một hình ảnh khác của mình chứ nếu diễn mãi một vai, tôi sẽ tự chán mình trước khi khán giả thấy chán Quang Trung.
Vì vậy, tôi luôn nghĩ năm nay mình sẽ làm được nhiều hơn năm cũ, chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn chứ không có dự định “năm sau mình phải tham gia 2 phim, sẽ ra mắt web drama”. Những điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tính trước được.
- Là nghệ sĩ, phải biết bản thân muốn gì. Bạn ngây thơ nhưng có biết bản thân mình muốn gì không?
Dĩ nhiên tôi biết chứ, ai làm nghề cũng đều mong được khán giả nhớ đến và tôi cũng vậy. Tôi không đứng bên ngoài rồi nhìn thấy hào quang mà muốn bước vào trong, muốn đứng lên sân khấu để hát hay diễn cho người ta xem nhưng nghề chọn tôi chứ tôi chưa bao giờ chọn nghề, và may mắn được Tổ đãi nên tôi trân quý sự lựa chọn đó.
Bước vào hào quang sân khấu, tôi thấy nơi này như nhà của mình và về nhà sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng chứ không phải sự nóng vội vì muốn chớp lấy hào quang.
Tôi luôn muốn có sự đúng đắn và công bằng vì bản thân quan sát được, nhiều anh chị em, các cô chú nghệ sĩ có thâm niên hoạt động lâu năm hơn tôi nhưng khán giả chưa nhớ đến hoặc hoặc chưa may mắn có cơ hội đó khiến tôi thấy đó là một thiệt thòi rất lớn.
Đối với tôi, ai cũng lao động như nhau và làm rất nhiều. Sự công bằng ở đây là khi mình đã dày công làm một điều gì đó hết sức mình, cái bản thân mong muốn nhận lại là sự ghi nhận của khán giả và mình đã làm bằng tất cả tâm huyết chứ không phải đánh đổi bằng mọi giá để khán giả nhớ đến.
- Vậy Quang Trung hướng đến hình ảnh như thế nào?
Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về việc mình muốn hướng đến hình ảnh gì nhưng thật sự, 6 năm qua tôi vẫn chưa biết hình ảnh mình muốn là gì cả bởi mọi thứ tôi đều cố gắng thực hiện hết khả năng của mình.
Thời điểm theo học trường sân khấu, tôi đảm nhận những vai chính kịch, tâm lý chứ không hề biết đóng hài là gì cả. Đến khi bắt đầu đi diễn sân khấu, thấy khán giả cười tôi thấy mình cũng vui và dần thuận theo tự nhiên, tôi nhận ra mình có thể làm người khác cười. Dù vậy, tôi không đánh mất khả năng diễn tâm lý của mình.
Khán giả từng xem Lô tô chắc chắn sẽ biết tôi không diễn hài gì cả. Tôi không hoạch định cho bản thân những gì phải làm nên rất bất ngờ khi bản cover Mình yêu nhau từ kiếp nào được khán giả ủng hộ. Vì vậy, tôi không muốn đứng yên một chỗ hay đóng khung hình ảnh của mình.
- Có phải bạn muốn sự sáng tạo trong những vai diễn của mình, và sẽ cố gắng sáng tạo hết mức để phù hợp với nó?
Tôi nhận ra mục đích trong nghề của mình. Bên cạnh việc được sống, làm nghệ thuật, được đứng dưới ánh đèn sân khấu, trước máy quay… điều quan trọng nhất tôi nghiệm ra được là biết mình là ai, được khám phá bản thân.
Trước kia, tôi không biết giao tiếp và từng trầm cảm một thời gian dài. Đến khi bắt đầu hoạt động nghệ thuật, tôi thật sự thấy mình như được sinh ra một lần nữa, nếu ai quen biết lâu sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Tôi của 6 năm trước như một đứa con nít, không biết nói chuyện, không biết gì cả, thậm chí người khác đùa giỡn với mình, tôi cũng không biết cách giỡn lại. Bây giờ, tôi nói nhiều hơn những gì người khác mong đợi nên tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã biết được mình là ai, làm được gì… Tôi muốn khám phá con người bên trong mình nên có giới hạn nào, tôi cũng cố gắng phá bỏ.
- Bạn có học hỏi từ đàn anh đàn chị nào để “quăng miếng hài” hay hơn?
Một điều đặc biệt, tôi cực kì ít xem hài. Trước khi làm diễn viên, thỉnh thoảng tôi vẫn xem nhưng khi là diễn viên rồi, tôi không xem hài nữa vì muốn tìm hiểu những chương trình khác nhiều hơn.
Bởi tôi đã diễn hài mà còn xem hài nữa thì coi như mình biết hết tất cả rồi. Tôi không muốn xem cũng vì sợ những điều đó nếu vui quá sẽ nằm trong đầu của mình mà không nhận ra, đến khi vô tình diễn lại sẽ không biết mình đang bắt chước người khác nên tôi tránh luôn. Vì vậy, những vai diễn hài của tôi đều xuất phát từ sự tự nhiên.
- Làm sao bạn giữ được cái duyên diễn hài của mình, bởi ranh giới “duyên – không duyên” trong hài rất mỏng manh?
Tôi xuất thân trong nghề là một diễn viên sân khấu, từng diễn 300 suất cho 1 vở diễn với những tình tiết, cảnh bi, cảnh hài… lập đi lại nhưng tôi vẫn giữ được khả năng diễn xuất đó. Tôi nghĩ, đây là điều cần được trau dồi đối với một diễn viên chuyên nghiệp bởi nếu không giữ được tâm thế như diễn lần đầu dễ khiến những những tình tiết diễn ra bị khô cứng, không có được cảm xúc tự nhiên.
Ví dụ, cảnh đó tôi biết mình sẽ bị bạn diễn đánh, tự khắc tôi sẽ có sự đề phòng khiến nhân vật không có được sự ngây thơ. Trước khi bước ra sân khấu, tôi vẫn thuộc thoại, biết lớp diễn nhưng “tẩy” sạch mọi thứ trong đầu để nhân vật của mình không bị chi phối bởi những thứ xảy ra sau đó.
Hơn nữa, một câu nói gây cười cho khán giả cần đúng lúc, đúng tâm lý người xem khi đó nên cần nhiều kỹ năng khác để giữ được những cảm xúc dù có diễn hàng trăm suất. Điều đó với những diễn viên chuyên nghiệp sẽ rất dễ dàng.
- Diễn sân khấu, làm sản phẩm online, vậy thu nhập của Quang Trung có đủ sống không?
Tôi từng trầm cảm một thời gian dài. Đến khi bắt đầu hoạt động nghệ thuật, tôi thật sự thấy mình như được sinh ra một lần nữa, nếu ai quen biết lâu sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Quang Trung
Trước đây, tôi chỉ diễn kịch sân khấu thì tiền lương không cao bởi mọi người cũng biết, một vé xem kịch chỉ khoảng 150 – 200 nghìn đồng, chủ sân khấu phải trang trải nhiều thứ, 1 diễn viên như tôi trước đây chỉ nhận được 80 nghìn đồng/suất diễn 3 tiếng đồng hồ.
Từ từ, tôi lên được mức 150 nghìn đồng, đến Idecaf tôi được 300 – 350 nghìn đồng, những sân khấu khác như Bến Thành, Thế giới trẻ sẽ được 500 nghìn đồng/suất. Vì vậy, nếu một tuần diễn 2 suất thì tôi chỉ nhận được 4 triệu đồng/tháng.
Với con số đó, quần áo hay son phấn đầu tư cho nhân vật không đủ nên tôi phải tìm thêm những nguồn thu bên ngoài như đi quay quảng cáo, quay chương trình… để đầu tư cho nhân vật và dự án riêng của mình.
- Nếu nói về 3 người để bạn có được thành công hôm nay, bạn sẽ nhớ đến ai?
Đó là thầy Vũ Minh – đạo diễn ở sân khấu kịch Idecaf, người đầu tiên dạy tôi diễn xuất và đặt cho tôi những viên gạch đầu tiên trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Tôi học thầy từ trước khi thi vào trường sân khấu, sau này cũng được học thầy vì thầy công tác ở trường.
Tôi là một người thực sự rất tham, học tiết của mình xong, tôi lại tìm lớp nào thầy dạy để chạy đi học ké và tìm những thầy cô khác để xin học thêm nữa, vì vậy tôi có nhiều kiến thưc và trải nghiệm hơn. Tôi luôn biết ơn thầy vì những tâm huyết với nghề, với học trò và thời sinh viên, có thể tôi chưa cảm thụ được hết nhưng những gì thầy dạy luôn đúng, là những điều cơ bản và cần thiết nhất cho một diễn viên chuyên nghiệp.
Nhiều bạn trẻ bây giờ diễn hài thích phùng mang trợn má, làm lố lên nhưng điều đó không hiệu quả. Ngày xưa, thầy dạy chúng tôi phải dùng những gì chân thật nhất để không khiến nhân vật mình đảm nhận trở nên kệch cỡm, lố lăng. Nếu không xuất phát từ tâm lý nhân vật sẽ không mang lại hiệu quả, giống như bạn đang ép khán giả cười chứ không phải vì nhân vật của bạn hài hước.
Người thứ hai là bạn tôi, một nhà thiết kế. Thứ 3 là tập hợp rất nhiều người, từ Huỳnh Lập, Hồng Tú, Duy Khánh, Ngọc Trâm. Đó là những người anh, người chị giúp đỡ tôi rất nhiều. Chúng tôi từng lập nhóm kịch tên Tía Lia, mọi người luôn cố gắng chọc ghẹo để tôi giao tiếp nhưng tôi không làm được. Họ giúp tôi mở lòng hơn nên có công rất lớn trong sự nghiệp của tôi.
- Nếu không giao tiếp được bạn sẽ quan sát nhiều hơn? Điều đó giúp cho việc diễn kịch của bạn ra sao?
Tôi ít giao tiếp vì gặp nhiều biến cố trong cuộc đời nên khép mình lại, từ đó chiêm nghiệm được nhiều thứ hơn. Tôi nghĩ đó là sự may mắn với mình bởi hiện tại, khi tham gia bất kì vai diễn nào tôi cũng cảm nhận được nó một cách tốt nhất theo cách của mình, có sự trải nghiệm nhất định để thể hiện nó một cách tự nhiên.
Từng muốn từ chối vai diễn trong phim của Mỹ Tâm
- Khi nhận được lời mời góp mặt trong Chị trợ lý của anh, bạn cảm thấy như thế nào?
Tôi không nhận lời tham gia Chị trợ lý của anh vì kịch bản đâu mà trước hết là vì đạo diễn hình ảnh Lê Hữu Hoàng Nam và chị Mỹ Tâm. Tôi làm việc với anh Nam rất nhiều và cực kì thích anh ấy. Tôi và anh hợp tác rất ăn ý, lại còn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Đặc biệt, tôi hứng thú khi thấy chị Mỹ Tâm đóng phim nên tôi nhận lời ngay.
- Nhận vai diễn là một nhân vật thuộc LGBT, bạn có áp lực?
Đến khi nhận kịch bản và biết vai diễn của mình là Mạnh, tôi sốc, thực sự có lúc muốn từ chối dù với tôi, vai này không khó. Tôi muốn từ chối một phần cũng vì suy nghĩ liệu mình có làm được gì mới mẻ hơn không. Như tôi chia sẻ, tôi sợ mình bị đóng khung nên mới có suy nghĩ như vậy.
Nhưng tôi thấy mình là một diễn viên chuyên nghiệp, không thể nói thế này nhưng làm thế kia được, đã nói là phải làm nên khi nhận rồi, tôi áp lực kinh khủng. Đọc hết kịch bản với từng dó lời thoại, không có nhiều đất dụng võ, không có nhiều nội tâm để thể hiện cho khán giả xem, nhân vật của mình lại không diễn xuất quá nhiều, tôi nghĩ “mình phải làm gì đây” bởi vai diễn đó, ai diễn cũng được?
Nhưng sau này, tôi nghĩ Tổ thương mình, cho tôi tư duy khác. Tôi thấy những dạng vai LGBT xưa nay không lạ, họ thường làm quá hơn một chút, nên tôi làm khác đi, thể hiện như không có gì vậy. Điện ảnh khác sân khấu, phải tiết chế rất nhiều bởi nó thể hiện cuộc sống, con người thật… Nếu diễn lố sẽ mất đi cái thật đó, khán giả chỉ cười vì sự hài hước của mình.
Từ đó, tôi mang những gì tự nhiên và đời nhất lên màn ảnh, thể hiện nó vừa đủ để khán giả cảm nhận được vai diễn dễ thương. Đến khi được khán giả, anh chị truyền thông khen ngợi, tôi cực kì bất ngờ.
- Mỹ Tâm có khen bạn không?
Chị Tâm khen tôi nhiều lắm, gặp tôi chị sẽ khen dễ thương, ai cũng thích tôi hết, cả đoàn phim luôn thương tôi. Mỗi khi phải cắt bỏ vài đoạn để đảm bảo thời lượng phim, mọi người sẽ xin lỗi tôi và nói tôi đừng buồn. Tôi nói lại là không sao vì mình thuận theo tâm lý nhân vật để đối đáp chứ không quăng miếng hài vào cho vui nên sắp xếp sao cho phù hợp là bình thường.
Như câu “1 ngày anh phải uống 32 cục đường” cũng do tôi nghĩ ra, cảnh đó tôi nói chuyện với chị Mỹ Tâm rất tự nhiên và mặt không có biểu cảm gì, ai ngờ lại hiệu quả như vậy. Vai diễn nào tôi cũng nói linh tinh (cười).
- Bạn có kỷ niệm nào đặc biệt khi quay phim không?
Những chương trình khác, những dự án phim như Lô tô chẳng hạn, kỷ niệm với tôi sâu sắc lắm nhưng với Chị trợ lý của anh lại nhảm nhí như cách tôi diễn vậy (cười). Cực kì êm đềm và đẹp đẽ, chưa bao giờ tôi quay bộ phim nào sung sướng như vậy vì địa điểm quay mát mẻ, quay xong tôi nằm ngủ, rồi lại ăn, chơi xong lại đi chọc phá mọi người.
- Quang Trung thấy Mỹ Tâm có giống với chị Khả Doanh trong phim?
Cả hai đều là những người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết doán. Nhiều người nói chị Mỹ Tâm mang chính mình vào phim nhưng tôi nghĩ đó là sự cần thiết bởi điện ảnh là những gì chân thật nhất, diễn viên phải hợp vai. Tôi không thể nào lên màn ảnh rộng với vai già, vai nữ được trừ khi mình có kĩ năng hóa trang thành ông già cực kì giống.
Chị Mỹ Tâm không dữ như Khả Doanh, chị không la mắng ai bao giờ. Cả ê kíp Chị trợ lý của anh đều làm việc cực kì chuyên nghiệp, không có gì phải phàn nàn. Những ý tưởng đưa ra đều được thực hiện trơn tru nên không có gì căng thẳng cả.
Chị Tâm rất dễ thương, có sao nói vậy và nói chuyện buồn cười lắm. Tôi dễ thích ứng nên khi chị phản ứng ra sao, tôi vẫn có cách để lấp vào, mang đến sự ăn ý.
- Bạn có sợ làm tốt quá, những phim sau nhà sản xuất lại giao những vai tương tự?
Không vì người ta mời, chưa chắc tôi nhận vì tôi kén vai lắm, nếu đã từng diễn vai đó tôi sẽ không nhận nữa.
- Tết năm nay, Quang Trung có ăn Tết cùng gia đình không?
Năm nay, gia đình tôi không về Việt Nam nên tôi ăn Tết một mình. Nghe thì buồn nhưng đây không phải lần đầu, tôi đã học được cách chấp nhận, hạnh phúc với nó bởi dù gì, gia đình khỏe mạnh là may mắn rồi.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác tủi thân khi đón Tết một mình. Ai cũng nói diễn viên bên ngoài vui vẻ nhưng đêm về lại nhiều nỗi buồn, tôi đi làm về mệt mỏi nhưng về nhà không thấy ánh đèn, không có sự chờ đợi. Nếu có gia đình, hẳn mọi người sẽ mở đèn sáng chờ tôi về nhưng không, tôi lái xe về một căn nhà tối om, bước vào bên trong là sự tĩnh mịch, tự soạn đồ đạc, ngủ rồi sáng sớm lại đi quay.
Có một thời gian, tôi thấy như mình ở trọ, nhà không có chút sinh khí nào, không có hoạt động nấu nướng gì cũng buồn lắm nhưng phải học cách chấp nhận bởi trên đời này luôn có sự công bằng, mình đã nhận được quá nhiều tình cảm của khán giả thì cũng phải hi sinh một phần tình cảm cá nhân.
- Có cái Tết nào Quang Trung tự tạo niềm vui cho mình?
Tôi thường xuyên đi du lịch một mình vì sợ cảm giác lễ Tết ở Sài Gòn. Tôi sinh ra ở đây, không có quê để về nên thường chọn đi xa, đến nơi mình cảm thấy được thư giãn. Ở Sài Gòn, tôi ngủ không ngon, bị một áp lực tâm lý nào đó mà đến giờ vẫn không hiểu được.
Nhưng ở nơi khác, tôi lại ngủ ngon cực kì, ngủ mấy chục tiếng cũng được nhưng dạo này tôi bớt đi du lịch lại vì đã hết tiền, phải tiết kiệm. Tôi ở lại Sài Gòn, tìm công việc gì đó làm để khỏa lấp nỗi buồn. Năm nay tôi đi diễn nên chắc cũng không đến nỗi nào.
- Tại sao Quang Trung không mời bạn bè sang chơi?
Cũng có nhưng không dễ bởi bạn bè tôi như anh Lập, anh tú… đa số ai cũng về quê đón Tết với gia đình. Sài Gòn không còn ai hết, mùng 1 chạy ra đường vắng tanh.
- Còn fan thì sao, bạn có thường họp fan?
Có, fan giống như những người đồng hành với tôi, tôi xem họ là gia đình thứ 2 và rất trân quý nhưng luôn có giới hạn nhất định. Mình là nghệ sĩ, với khán giả phải cư xử đúng mực, nếu mình đánh mất bản thân thì khán giả không có sự tôn trọng và tôi từng trải qua cảm giác đó rồi.
Ngoài thời gian làm việc, tôi thường gặp gỡ để cảm ơn fan đã ủng hộ mình. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các bạn giữ sự nhiệt tình ở mức độ nhất định, đừng quá khích. Những khán giả theo tôi lâu sẽ hiểu điều này nên tôi gọi FC của mình là câu lạc bộ bạn bè vì các bạn rất hiểu và biết tôi cần gì.
- Dự định trong năm 2019 của bạn thì sao?
Thú thật tôi không biết trả lời như thế nào nhưng năm nay, tôi sẽ cố gắng làm sao để ngày càng phát triển bản thân hơn nữa, làm việc chuyên nghiệp và ngày càng được khán giả yêu mến nhiều hơn.
- Cám ơn Quang Trung về những chia sẻ trên!
Bình luận