“Quảng Ninh phát triển như ngày hôm nay không phải dựa trên những quy hoạch mới đây mà là hàng chục năm về trước, toàn tỉnh đã được quy hoạch để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội sâu rộng”, ông Nguyễn Duy Hưng – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giai đoạn 2007 – 2010 khẳng định với PV VTC News sau khi Quảng Ninh 4 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 được công bố sáng 15/4 vừa qua.
Quảng Ninh được quy hoạch từ rất sớm
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, giai đoạn trước năm 2005, Quảng Ninh đã được Chính phủ mời các đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội theo chương trình tài trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, từ 2005 trở đi, Quảng Ninh tiếp tục kế thừa, lập các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho từng thời kỳ, từng giai đoạn (5 năm 1 lần) và liên tục bổ sung phù hợp với sự phát triển của thực tiễn và tầm nhìn cho tương lai.
“Công tác quy hoạch luôn phải được bổ sung mới theo tầm nhìn mới, quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước một bước”, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.
Một số quy hoạch nổi bật trong giai đoạn 2005 – 2010 do ông Nguyễn Duy Hưng và người tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn Quynh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai đó là quy hoạch tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cao tốc Hạ Long - Móng Cái, Sân bay Vân Đồn và Khu kinh tế Quảng Yên (Quảng Ninh). Đây là những quy hoạch "dài hơi" mà đến nay vẫn đang là những dự án trọng điểm. Nguồn kinh phí lập quy hoạch này thời điểm đó hoàn toàn do ngân sách tỉnh đầu tư.
“Nhờ sớm được quy hoạch và lập quy hoạch ngắn hạn cũng như dài hạn, tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm, mời gọi được các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến lập nghiệp. Quảng Ninh đang thay da đổi thịt từng ngày”, ông Nguyễn Duy Hưng vui mừng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, không phải quy hoạch nào cũng thành hiện thực và phát huy hiệu quả. Đơn cử như trước đây Quảng Ninh chưa có quy hoạch sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long nên Chính phủ mới đồng ý cho Quảng Ninh làm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cùng 2 nhà máy Xi măng Thăng Long và Nhà máy xi măng Hạ Long.
Đến đầu năm 2020, Quảng Ninh sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long thành TP Hạ Long mới thì Quảng Ninh buộc phải phá bỏ mọi quy hoạch trước đó của 2 địa phương này. Sau khi 2 địa phương cấp huyện nêu trên được sáp nhập, Quảng Ninh lập quy hoạch lại TP Hạ Long mới cho phù hợp với thực tế.
Công tác quy hoạch luôn phải được bổ sung mới theo tầm nhìn mới, quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước một bước
Ông Nguyễn Duy Hưng – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Hay cao tốc Hạ Long – Móng Cái đã có quy hoạch từ trước năm 2010, trong đó Bộ Giao thông vận tải làm quy hoạch cao tốc Nội Bài – Hạ Long và Hạ Long – Móng Cái.
Tuy nhiên, cao tốc Nội Bài – Hạ Long không được thực hiện trên thực tế. Chỉ có cao tốc Hạ Long – Móng Cái được thực hiện nhưng có sự điều chỉnh để cao tốc này đi qua Khu kinh tế Vân Đồn.
Một ví dụ khác, trước đây ngành than ở Quảng Ninh được quy hoạch khai thác hầm lò và lộ thiên, tuy nhiên sau này đã điều chỉnh quy hoạch chỉ khai thác hầm lò mà không khai thác lộ thiên, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường để phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ khác theo chủ trương phát triển kinh tế của Quảng Ninh từ “nâu” sang “xanh”.
Đặc biệt, trong đó có 1 quy hoạch mà theo ông Nguyễn Duy Hưng cần phải phê phán đó là quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) – Cái Lân (Hạ Long, Quảng Ninh), được đầu tư dở dang dẫn đến lãng phí ngân sách rất lớn và không khai thác có hiệu quả.
“Thực tế công tác quy hoạch của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng chưa thực sự đi trước một bước, dẫn đến hậu quả về môi trường sống bị ảnh hưởng, bộc lộ sự yếu kém trong công tác quy hoạch”, ông Nguyễn Duy Hưng nhận định.
Quy hoạch từ sớm để ngày nay "lột xác"
Cũng liên quan đến vấn đề lập quy hoạch từ sớm để Quảng Ninh có sự phát triển kỳ diệu như hiện nay, trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Đọc – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh (giai đoạn 2011-2015) chia sẻ, Quảng Ninh sớm nhận thức về xây dựng quy hoạch, xây dựng chiến lược đã được nâng cao rõ rệt trong các cấp, các ngành, các địa phương.
Tỉnh đã chủ động và báo cáo Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài triển khai nhiều quy hoạch quan trọng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch nguồn nhân lực, Quy hoạch phát triển du lịch, Quy hoạch bảo vệ môi trường, Quy hoạch phát triển khoa học công nghệ, Quy hoạch đất đai…
Các cấp, các ngành đều phải làm quy hoạch; các ban xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội phải xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
7 quy hoạch chủ yếu có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, các tầng lớp nhân dân, các bộ ngành thẩm định. Nguồn vốn cho quy hoạch được tỉnh dành một phần ngân sách thỏa đáng, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.
Chiến lược, quy hoạch rõ ràng cùng tầm nhìn dài hạn đã giúp cho công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, bài bản, khoa học hơn, tạo tiền đề để phát triển ổn định, có lộ trình với những giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các địa phương. Những sản phẩm quy hoạch chất lượng, đẳng cấp quốc tế sẽ là môi trường tốt để có các dự án tốt thu hút các nhà đầu tư, huy động và phát huy tối đa nguồn lực phát triển cho tỉnh.
Với số điểm PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh giữ vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng PCI 2020. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh đứng ở vị trí quán quân này, khi tăng 1,69 điểm PCI tổng hợp so với năm trước đó. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Bình luận