Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chỉ đạo những nội dung liên quan đến tình hình hoạt động các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Hàng loạt bất cập, hạn chế
Ông Trần Phước Hiền đánh giá, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phù hợp với định hướng phát triển CCN của tỉnh, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá. Hoạt động của các doanh nghiệp trong CCN đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng được lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo tỉnh, quá trình thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN và thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào CCN còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, việc quy hoạch CCN chưa đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch khác như: Quy hoạch về đất lúa, đất rừng, đấu nối giao thông, quy hoạch xây dựng,…; chất lượng lập quy hoạch và định hướng bố trí ngành nghề trong CCN còn hạn chế, chưa bắt nhịp với xu thế, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, cũng như lợi thế của vùng, miền.
Việc thực hiện trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, thủ tục thu hồi đất, giao đất, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường CCN không theo trình tự quy định, một số CCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa điều chỉnh mục đích sử dụng đất…; tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN chậm, không đồng bộ; vừa thu hút đầu tư vừa từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật nên công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường vẫn còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại các CCN.
Ngoài ra, ông Trần Phước Hiền còn chỉ ra việc quản lý, giám sát các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chủ trương đầu tư ban đầu chưa được chặt chẽ; hiệu quả sử dụng đất chưa cao, lãng phí về việc sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích...
Sớm loại bỏ các cụm công nghiệp không phù hợp
Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 23 CCN được phê duyệt, với tổng diện tích 401 ha. Trong đó, 15 CCN được đầu tư xây dựng hạ tầng, 4 CCN chưa được đầu tư hạ tầng, 4 CCN được phê duyệt.
Trong giai đoạn 2002-2020, các CCN được đầu tư gần 371 tỷ đồng để phát triển hạ tầng nhằm thu hút khoảng 129 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong đó, 88 dự án đang hoạt động, 11 dự án đang tạm dừng hoạt động, 30 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt gần 68%.
Trước hàng loạt hạn chế, bất cập đang tồn tại ở các CCN, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các CCN đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh (về số lượng, quy mô, ngành nghề phù hợp,..), đối chiếu với sự phù hợp về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay; trên cơ sở đó, tham mưu cấp có thẩm quyền loại bỏ các CCN không phù hợp ra khỏi phương án phát triển CCN của tỉnh theo tinh thần đầu tư tập trung các CCN với quy mô lớn.
Đồng thời, Sở Công Thương sẽ nghiên cứu quy hoạch các CCN theo nhóm, chọn lọc ngành nghề sản xuất để thuận lợi trong công tác quản lý, vận hành và thu hút đầu tư của doanh nghiệp; đảm bảo phù hợp với các quy hoạch xây dựng, giao thông, thủy lợi, quy hoạch nông thôn mới,... và tính khả thi trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Bình luận