Những ngày vừa qua, ông Võ Minh Hồng (trú thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) như ngồi trên đống lửa khi đàn lợn mà gia đình cất công chăm sóc chết dần chết mòn.
Cách đây khoảng 2 tuần, biết địa phương đã có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, ông Hồng nhanh chóng liên hệ với thú y để tiêm phòng cho 4 con lợn thịt, 2 con lợn nái với giá 50 nghìn đồng/liều.
"Cứ ngỡ tiêm vaccine phòng dịch thì lợn sẽ an toàn, nào ngờ chỉ vài ngày sau, hầu hết lợn của gia đình tôi tự dưng bỏ ăn, da tím tái. Đến thời điểm hiện tại, 3 con lợn thịt, 1 con lợn nái cùng 10 lợn con đang trong thời kỳ bú sữa mẹ đã chết" - ông Hồng nói và chia sẻ thêm, ông đang đứng ngồi không yên vì số lợn còn lại cũng đang bỏ ăn.
Tương tự, gia đình bà Võ Thị Sơn (trú cùng thôn) đang rất lo lắng sau khi thú y tiêm vacccine cho đàn lợn giống 6 con của gia đình. "Qua theo dõi trên báo đài, tôi được biết dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát mạnh nên ngay khi có vaccine phòng dịch, tôi khẩn trương gọi điện cho thú y đến tiêm phòng. Hiện tại, sau 5 ngày tiêm, toàn bộ lợn của gia đình đang có dấu hiệu bỏ ăn, tiểu ra máu" - bà Sơn cho hay.
Ông Ngô Hữu Hạ - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi tiếp nhận thông tin lợn chết sau khi tiêm vaccine, cán bộ của Chi cục đã trực tiếp đi kiểm tra và nhận thấy lợn bị phản ứng sau tiêm vaccine rất nhiều.
"Theo thống kê ban đầu, 538 con lợn bị phản ứng sau khi tiêm vaccine. Chi cục đã có văn bản gửi tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh về việc dừng ngay tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thông báo cho Công ty Navetco để doanh nghiệp này làm việc với các hộ chăn nuôi đã tiêm vaccine phòng dịch tả lợn do đơn vị này sản xuất" - ông Hạ nói và thông tin thêm, loại vaccine phòng dịch tả lợn do Công ty Navetco sản xuất được Cục Thú y cho phép, tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 với hơn 60 nghìn liều ở 19 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bình luận