Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) tạm dừng do vấp phải hàng loạt khó khăn, vướng mắc.
"Đứng bánh" do không "rót" vốn
Theo tìm hiểu của PV VTC News, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thuộc địa phận 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Chủ đầu tư của dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (viết tắt Công ty Kỳ Hà Chu Lai) là đơn vị thực hiện công tác GPMB dự án. Ngoài ra, đơn vị này cũng thay mặt cho Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng 5 khu TĐC và khu nghĩa trang vùng Đông 2 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình để tạo quỹ đất TĐC phục vụ GPMB dự án.
Công ty Kỳ Hà Chu Lai cho biết, tổng diện tích dự án là 985,5ha. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là 481,64ha. Diện tích đất bàn giao cho nhà đầu tư: 389,74ha. Diện tích đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao: 91,90ha.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, công tác bồi thường GPMB Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đầu tư xây dựng các khu TĐC phải tạm dừng bởi nhà đầu tư không bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân của các phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC đã được UBND các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên phê duyệt trong năm 2020. Ngoài ra, thời gian thực hiện hợp đồng GPMB đã ký giữa chủ đầu tư và Công ty Kỳ Hà Chu Lai đã hết hạn vào ngày 31/12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất ký lại hợp đồng để gia hạn thời gian.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC phục vụ GPMB dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đang phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về đơn vị chủ đầu tư nên công tác bồi thường GPMB và thi công xây dựng hạ tầng các khu TĐC gần như phải tạm dừng.
Lãnh đạo Quảng Nam chỉ đạo "gỡ vướng"
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã chủ trì cuộc họp giải quyết các tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB và TĐC dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
UBND tỉnh thống nhất cho Công ty Kỳ Hà Chu Lai tiếp tục ký phụ lục gia hạn hợp đồng thực hiện công tác bồi thường, GPMB của dự án với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cho đến khi hoàn thành việc chi trả và có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Công ty Kỳ Hà Chu Lai sẽ tiếp tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dự án theo các phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An, UBND tỉnh yêu cầu xem xét hồ sơ và bố trí đủ nguồn vốn cho Công ty Kỳ Hà Chu Lai để chi trả theo các phương án đã được phê duyệt và tổ chức tiếp nhận bàn giao tối đa phần diện tích đã GPMB cho chủ đầu tư dự án quản lý, xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch.
Trường hợp các hộ gia đình có yêu cầu đề nghị bồi thường hết phần diện tích của thửa đất còn lại sau khi thu hồi trong phạm vi GPMB của dự án, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện phối hợp với Công ty Kỳ Hà Chu Lai kiểm tra từng trường hợp cụ thể, báo cáo đề xuất gửi Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng các khu TĐC phục vụ GPMB dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, lãnh đạo tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại hồ sơ quy hoạch và cơ sở pháp lý của việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư: Duy Hải giai đoạn 2, Duy Hải giai đoạn 3, Sơn Viên.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Kỳ Hà Chu Lai tổng hợp, lập hồ sơ quyết toán chi phí bồi thường, GPMB và đầu tư hạ tầng kỹ thuật (nếu có) của khu TĐC ven biển Bình Dương và TĐC Nồi Rang để bàn giao cho UBND các huyện liên quan tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành dự án từ nguồn vốn ngân sách.
Năm 2015, tiếp nhận chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, hàng nghìn hộ dân vùng Đông của tỉnh Quảng Nam gồm 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) khấp khởi mừng vui. Người dân kỳ vọng sau khi thu hồi đất, họ sẽ nhận đền bù và chuyển tới khu TĐC với điều kiện tốt hơn.
Tuy nhiên, sau 6 năm, nhiều hộ dân vẫn "giậm chân tại chỗ" ở khu đất thuộc diện quy hoạch, hằng ngày sống trong nỗi thấp thỏm, âu lo vì nhà cửa xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa sang, xây mới.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên xác nhận, hiện nay chưa đủ đất để hoàn thành TĐC cho dân.
Bình luận