Chiều 16/3, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên trên mạng và các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Ông Trương Minh Tuấn nói: “Với tinh thần hợp tác và tôn trọng pháp luật, các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo chung tay bảo vệ sự an toàn thương hiệu, xây dựng môi trường Internet lành mạnh an toàn cho mọi người sử dụng tại Việt Nam, bảo vệ bản quyền nội dung thông tin và ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ các quy định của Việt Nam”.
“Google phải đứng lên và chịu trách nhiệm”
Tất cả đại diện doanh nghiệp, thương hiệu lớn có sản phẩm quảng quảng đều khẳng định, trong hợp đồng ký kết giữa họ với đại lý quảng cáo để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên YouTube đều có điều khoản yêu cầu các đại lý quảng cáo không được đăng phát quảng cáo trong những clip có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Video: Đoạn phim quảng cáo Tết đang khiến phụ nữ Việt nào cũng rơi lệ
Theo đại diện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), ngay khi phát hiện quảng cáo sản phẩm xuất hiện trên các clip YouTube vi phạm, doanh nghiệp đã yêu cầu phía đối tác xác minh và làm việc với YouTube để dừng phát các quảng cáo trên các clip này.
Các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo chung tay bảo vệ sự an toàn thương hiệu.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
“Cùng với đó, Vinamilk có văn bản yêu cầu đại lý quảng cáo rà soát, cho chúng tôi biết lý do tại sao và đề nghị đối tác cam kết có biện pháp quản lý, tạo môi trường quảng cáo an toàn, bảo vệ thương hiệu”, phía Vinamilk nói.
Đại diện Unilever Việt Nam cho rằng việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp xuất hiện trên các clip có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam là không thể chấp nhận.
“Đây là lúc mọi người chung tay với nhau, không chỉ bảo vệ nhãn hàng mà còn là bảo vệ môi trường xã hội, môi trường kinh doanh”, đại diện Unilever Việt Nam nói.
Cam kết không để xảy ra sự việc đáng tiếc tương tự, đại diện Unilever Việt Nam cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ như Google, YouTube cần thiết có biện pháp chặt chẽ hơn, giải pháp công nghệ tốt hơn để ngăn chặn những quảng cáo sản phẩm trên các clip vi phạm.
Theo đại diện Công ty WPP, hãng quảng cáo lớn nhất thế giới, tình trạng quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp, thương hiệu lớn được gắn trên các clip có nội dung độc hại, hiện nay không chỉ là mối lo của ngành quảng cáo Việt Nam mà đã thực sự trở thành mối lo ngại chung của các doanh nghiệp quảng cáo ở nhiều nước trên thế giới.
Vẫn theo đại diện Công ty WPP, mới đây, tại Liên hoan quảng cáo Anh Quốc, ông Sorrell, CEO của WPP đã yêu cầu Google phải “đứng lên và chịu trách nhiệm” về dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của mình.
“Chúng tôi cũng gây sức ép với Google không để xảy ra hiện tượng này thêm một lần nào nữa và hoàn toàn đồng ý với Bộ TT&TT yêu cầu Google làm tốt nhất để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này”, đại diện Công ty WPP nói.
“Quảng cáo trên clip vi phạm là sự nguy hại cần dẹp bỏ”
Quan điểm quảng cáo trên môi trường mạng hiện nay đang trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn sử dụng như là một trong những kênh quảng cáo chủ lực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, dịch vụ quảng cáo phải đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
“Những clip có nội dung xấu, độc, xâm phạm đời tư đều bị cả thế giới lên án chứ không phải quốc gia nào”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (PT - TH và TTĐT) thông tin, qua thống kê chưa đầy đủ đã ghi nhận 15 kênh đưa tổng cộng 8000 clip có nội dung vi phạm với tổng lượt xem trên 500 triệu và hơn 500.000 lượt đăng ký theo dõi thường xuyên.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, trong quá trình làm việc với cơ quan quản lý, các đại lý quảng cáo cho biết, hiện nay, khi ký hợp đồng với Google chạy quảng cáo cho các nhãn hàng đối tác của họ trên YouTube, họ đã lựa chọn vị trí hiển thị quảng cáo qua việc lọc từ khoá, phân loại nhóm để ngăn chặn việc việc xuất hiện nội dung quảng cáo của khách hàng trong các clip không phù hợp.
Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết triệt để tình trạng trên do có nhiều clip xấu, độc được người đăng tải xếp vào nhóm giải trí lành mạnh để “lách” thuật toán của Google.
“Các đại lý quảng cáo đều khẳng định nếu không có sự hợp tác của Google trong việc thay đổi thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Mặc dù Google đã hợp tác xử lý nhưng theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm hiện mới “gỡ được 42 clip trên tổng số trên 8000 vi phạm”.
Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) chia sẻ ngay khi phát hiện các đoạn quảng cáo chèn trên clip có nội dung xấu độc, C50 đã làm việc với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để quản lý.
Dẫn chứng con số “mỗi phút có khoảng 400 giờ clip được đưa lên mạng xã hội”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay việc kiểm soát nội dung các clip không dễ nhưng phải quyết tâm làm và làm bằng được vì “tiến bộ thông tin và vì một xã hội xã hội thông tin lành mạnh”.
Cũng tại buổi làm việc với các doanh doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên trên mạng và các các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Bộ TT&TT với bốn nội dung cụ thể:
Chung tay bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu Việt trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.
Chung tay ủng hộ ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Chung tay xây dựng môi trường Internat lành mạnh, an toàn cho người sử dụng tại Việt nam, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam khi tiến hành các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.
Chung tay bảo vệ bản quyền nội dung thông tin trên mạng Internet.
Liên quan đến thông tin về những nội dung trên YouTube trong thời gian gần đây, đại diện phát ngôn của YouTube cho biết: “Chúng tôi có chính sách rõ ràng đối với yêu cầu gỡ bỏ nội dung từ các chính phủ trên thế giới. Chúng tôi trông cậy vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi, thông qua quy trình chính thức, nội dung mà họ cho là bất hợp pháp. Và khi thích hợp, chúng tôi sẽ hạn chế truy cập nội dung đó sau khi đã xem xét kỹ lưỡng. Tất cả những yêu cầu này từ các chính phủ đều được lưu và đưa vào báo cáo minh bạch của chúng tôi".
>>> Đọc thêm: Quảng cáo trên video độc hại, YouTube bị doanh nghiệp Việt đồng loạt phản ứng dữ dội
Bình luận