Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Bình triển khai thí điểm việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT).
Đây là giải pháp được BHXH Việt Nam và Bộ Công an thực hiện trên cơ sở đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này cũng đã đáp ứng các lợi ích thiết thực trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở KCB, tiến tới đơn giản hóa các loại giấy tờ, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục trong KCB BHYT.
Giảm thời gian làm thủ tục
Sau khi có hướng dẫn của Sở Y tế và BHXH tỉnh về việc tiến hành triển khai thí điểm việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong KCB BHYT, các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng đưa vào sử dụng máy quét mã QR-Code trên căn cước công dân đặt tại khu vực đăng ký khám để triển khai thực hiện.
Bà Lưu Thị Bích Vân (phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, trước đây khi đi KCB cầm nhiều loại giấy tờ như giấy tờ tùy thân có ảnh, thẻ BHYT nhưng bây giờ chỉ cần cầm thẻ căn cước công dân gắn chip là được, rất thuận lợi trong việc KCB BHYT.
“Trước đây khi đi khám, tôi phải chờ đợi để nhân viên y tế kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin nên mất nhiều thời gian, giờ chỉ cần đưa căn cước công dân gắn chíp cho họ quét, 2-3 phút là xong, rất tiện lợi và nhanh chóng”, là những gì chị Trần Thị Phương Thúy (xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ.
Theo đó, người dân trên các địa bàn khi tới KCB tại bệnh viện chỉ cần xuất trình căn cước công dân gắn chíp để thực hiện quét mã.
Việc KCB BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp đem lại nhiều tiện ích cho người dân, không chỉ tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký mà trong trường hợp thẻ BHYT của người dân bị mất, hỏng cũng không bị ảnh hưởng tới việc KCB.
Do đang trong thời gian thí điểm nên vẫn sẽ có người dân chưa được tích hợp thông tin dữ liệu BHYT. Với những trường hợp này, nhân viên bệnh viện sẽ phối hợp với giám định viên của cơ quan BHXH giải thích để người dân hiểu. Đồng thời, hướng dẫn họ sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trong ứng dụng VssID-BHXH số hoặc thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện quy trình KCB BHYT thông thường.
Bác sỹ Ngô Đức Vận, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 300 người đến KCB.
“Trước đây, bệnh viện đã xây dựng nhiều phần mềm tiện ích để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho bệnh nhân khi đi KCB BHYT. Nay, với việc triển khai thí điểm KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, việc tiếp nhận bệnh nhân nhanh và thuận lợi hơn”, bác sĩ Vận cho hay.
Đưa lại trải nghiệm tốt cho người dân
Theo thống kê, số CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để KCB là 226.048/749.737 thẻ BHYT còn hiệu lực.
Cùng với sự ra đời của ứng dụng VssID-BHXH số, việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong KCB BHYT là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH.
Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT.
Đặc biệt, việc này tạo sự thuận tiện cho người lớn tuổi vì không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, giúp hạn chế tối đa việc người dân mượn thẻ BHYT của người khác để KCB.
Ông Nguyễn Quang Thuận, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (CNTT) BHXH Quảng Bình cho biết, ngay sau khi chủ trương này được ban hành, BHXH tỉnh đã kịp thời thông báo cho các cơ sở KCB BHYT, người tham gia BHYT biết về chủ trương của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế về việc cho phép người dân sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để thay thế thẻ BHYT làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT.
Đồng thời, cung cấp tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua căn cước công dân gắn chíp và hàm kết nối, tra cứu tự động thông tin thẻ BHYT của người tham gia khi xuất trình căn cước công dân cho các cơ sở KCB biết và tích hợp vào phần mềm tiếp đón bệnh nhân của cơ sở KCB.
BHXH tỉnh đã tập trung chú trọng công tác phân công nhiệm vụ viên chức, người lao động hỗ trợ kịp thời cho cơ sở KCB BHYT và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi đi KCB BHYT.
Hiện nay, nhiều cơ sở KCB BHYT trong tỉnh đã thực hiện thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong KCB BHYT.
Lợi ích đã thấy rõ, nhưng do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện, vì vậy cũng không tránh khỏi những bất cập, cần lộ trình hoàn thiện.
Bình luận