• Zalo

Quảng Bình: Một xã sẽ có già nửa nam giới ế vợ

Thời sựThứ Sáu, 19/07/2013 03:00:00 +07:00Google News

210 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, tỷ lệ chênh lệch giới tính cao tới mức khó tin này xảy ra ở xã Quảng Lộc (Quảng Trạch, Quảng Bình).

210 trẻ em nam/100 trẻ em nữ, tỷ lệ chênh lệch giới tính cao tới mức khó tin này xảy ra ở xã Quảng Lộc (Quảng Trạch, Quảng Bình).

Ngoài ra, tỷ lệ chênh lệch từ 152 tới 172 trẻ nam/100 trẻ nữ cũng nhan nhản ở huyện Quảng Trạch. Tỷ lệ này cao tới mức không thể không nghĩ tới có việc can thiệp để lựa chọn giới tính thai nhi.

Ở làng chài Cồn Sẻ cũng như nhiều vùng ở Quảng Bình, cảnh thường thấy là trẻ em nam nhiều hơn trẻ em nữ. 

Sinh con trai để có người đi biển


Không chỉ ở Quảng Lộc mà một số xã trong cả nước đang tiệm cận con số 200 trẻ nam/100 trẻ nữ. Chẳng hạn thị xã Phú Thọ (Phú Thọ), 5 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ giới tính là 141,8 trẻ nam/100 trẻ nữ, trong đó phường Âu Cơ, Phú Hộ ở mức trên 200 trẻ nam/100 trẻ nữ. Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cũng ở mức 143,5 trẻ nam/100 trẻ nữ. Còn tại Hưng Yên, huyện dẫn đầu về tỷ số mất cân giới tính khi sinh là Văn Lâm với mức 133,9 trẻ nam/100 trẻ nữ (thống kê năm 2010)...

Nguyễn Trang
Bà Hoàng Thị Kim Ngân – Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hoá gia đình huyện Quảng Trạch cho biết, nếu năm 2011, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của toàn huyện mới ở mức 125 trẻ nam/100 trẻ nữ, thì đến năm 2012, con số này đã tăng lên 136,35 trẻ nam/100 trẻ nữ. Cũng theo bà Ngân, nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính ở mức rất cao đều tập trung vào các xã vùng biển như: Quảng Lộc (210/100); Quảng Thanh (172/100); Quảng Xuân (156/100); Cảnh Dương (153/100); Quảng Phúc (152/100)...

Về làng chài Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc), điều ấn tượng nhất với mọi người có lẽ là từ đầu làng đến cuối làng gặp toàn trẻ em đang chơi đùa và trong số đó trẻ em nam luôn chiếm đa số. Giải thích “hiện tượng” này, ông Nguyễn Cương - Trưởng thôn Cồn Sẻ không hề giấu giếm: “Làng làm nghề đi biển nên phải đẻ nhiều và muốn sinh nhiều con trai cho đủ “quân” đi tàu”.
Điển hình về sự đẻ nhiều và đẻ nhiều con trai ở làng Cồn Sẻ phải kể đến gia đình chị N, chị N mới 37 tuổi mà có đến 10 đứa con. Anh T lấy chị N, 2 đứa con đầu của họ là 2 bé gái. Dù không ra mặt nhưng ngày nào chị N cũng nghe mẹ chồng than thở: “Người làng biển mà đẻ con gái thì lấy chi mà ăn...”. Nghe mọi người mách nước, chị N mua đồ bổ dưỡng và bắt chồng ăn mặn… Không ngờ 8 đứa con sau đó, chị sinh một mạch toàn con trai.
Anh Phạm Chung – cán bộ y tế ở Cồn Sẻ cho biết, việc tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình ở làng chài này quả thật rất khó khăn. Vì hầu hết người làng biển thường quan niệm rằng sinh nhiều con, đặc biệt là nhiều con trai mới có người đi biển, sau này sẽ sướng. Nhiều cán bộ làm công tác dân số ở các xã vùng biển mà chúng tôi gặp cũng có chung nhận định như anh Chung…
“Can thiệp” để sinh con trai?

Viện Nghiên cứu phát triển xã hội vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường, sức khỏe và dân số thực hiện nghiên cứu về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Việt Nam trên 1.400 nam giới tại 2 tỉnh Hưng Yên và Cần Thơ năm 2011 (2/3 sống ở nông thôn). Kết quả cho thấy có 74% người được hỏi cho biết việc có ít nhất 1 con trai là quan trọng. 4% nam giới được hỏi cho biết vợ không đẻ được con trai là lý do để chồng và gia đình chồng ép ly hôn, 2,2% cho biết cần phá thai nếu là thai gái…
Nếu các xã vùng biển người dân thường cho rằng phải sinh nhiều con trai để có người đi biển, thì ở các xã vùng nông thôn khác lại tồn tại quan niệm “sinh con trai để có người nối dõi tông đường”. Họ không quan tâm tới việc tương lai con họ có thể ế vợ và các vấn đề phát sinh.


Theo bà Ngân, với tỷ lệ chênh lệch giới tính cao như vậy chắc chắn có sự can thiệp để chọn giới tính. “Hiện nay ở huyện Quảng Trạch có 2 cách mà người dân thường áp dụng để sinh con trai. Thứ nhất là “canh trứng”, tức là họ đi khám để lựa chọn thời điểm rụng trứng tốt nhất để giao hợp; cách thứ 2 là lựa chọn chế độ ăn kiêng, ăn chất gì để dễ sinh con trai… Còn cách siêu âm để loại bỏ thai nhi nữ thì chúng tôi chưa gặp, nhưng không loại trừ…” – bà Ngân cho biết.

Dẫu vậy, rất khó để các bà mẹ thừa nhận mình loại bỏ thai nhi là gái, bởi trong sâu thẳm các chị cũng buồn và cám cảnh khi buộc phải lựa chọn. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài ở xã Quảng Lộc, chúng tôi cũng nghe được một câu chuyện khá thương tâm. Do chồng là con trai một nên gia đình chồng chị H nhất quyết bắt chị phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường. Khi có bầu, đi siêu âm biết cái thai là con gái, gia đình chồng bắt chị phải bỏ. Lần thứ 2 cũng vậy… và bây giờ thì chị H đã không thể có con nữa.

Một bác sĩ sản khoa có phòng mạch tư ở Quảng Trạch tiết lộ, ở phòng khám của anh, nhiều cặp vợ chồng tìm đến để phá bỏ thai nhi. Dù họ giải thích là bỏ thai vì vỡ kế hoạch nhưng thai nhi bị bỏ toàn là có giới tính nữ.




Theo Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn