(VTC News) – Phong cách phục vụ quá “cá tính” của nhiều hàng quán ở Hà Nội khiến khách toát mồ hôi hột.
Phố vẫy, ngõ vẫy, ngã tư vẫy
Vài năm gần đây, trà chanh Ngã Tư Sở (Thanh Xuân) nổi lên như một tụ điểm vui chơi náo nhiệt của giới trẻ tại Hà Nội. Từ một vài quán nhỏ lẻ kinh doanh đắt khách, hàng loạt quán trà chanh mọc lên như nấm sau mưa, bành chướng cả một khu vực trước chợ Ngã Tư Sở.
Thời tiết ấm áp, trà chanh Ngã Tư Sở bắt đầu vào mùa đông khách |
Quán xá nhiều tất nhiên tính cạnh tranh sẽ ngày một tăng cao. Các chủ quán bắt đầu nghĩ ra chiêu tuyển mộ một đội ngũ đứng “vẫy” mời chào để chèo kéo được nhiều khách vào quán nhà mình. Chỉ cần thấy có chiếc xe máy nào chầm chậm đi qua, ngó nghiêng hay có “tín hiệu” muốn vào uống trà chanh là đội nhân viên vẫy này lập tức ùa đến.
Người chặn đầu xe, kẻ kéo đuôi xe, bám chặt tay ga, bóp phanh, nhao nhao mời chào “anh/chị vào quán em ạ”, “anh/chị để em dắt xe cho ạ”, “anh/chị ơi bên quán em ở đây ạ”… Sự hiếu khách cuồng nhiệt của đội nhân viên “vẫy” này quả thực khiến nhiều thượng đế phát hoảng.
Đội ngũ vẫy khách bất kể an toàn giao thông, vẫn xuống đường mời chào |
Hoàng Hà, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Hà Nội kể lại lần đầu tiên đi uống trà chanh Ngã Tư Sở đã bị đội “vẫy” khách tấn công: “Bạn mình vừa xịch xe xuống lập tức có rất nhiều, nhiều lắm thanh niên chạy đến bủa vây. Mắt mình tối sầm, tai chỉ nghe tiếng ào ào anh, chị ơi gì gì đấy. Mình còn bị kéo áo, kéo túi nữa.
Trong khi bạn mình gào thét bảo họ tránh ra thì mình gần như bị sốc nên ngồi bất động. Đến lúc một anh chàng ở quán nào đó túm được chìa khóa xe thì bạn mình đành để cậu ta dắt xe đi cất hộ. Rồi bọn mình được một người khác dẫn vào quán nhà cậu ta ngồi. Vừa sợ vừa buồn cười. Nhỡ mãi không quên và cũng không bao giờ quay lại”.
Không chỉ có trà chanh Ngã Tư Sở, mà rất nhiều quán ở Hà Nội cũng đang tiến hành thuê hẳn một đội ngũ nhân viên hùng hậu để xuống đường vẫy khách. Theo cách gọi vui của giới trẻ Hà Nội, mùa hè có Ngã Tư Sở vẫy khách vào trà chanh.
Mùa đông có những "phố vẫy” như Bạch Mai mời khách vào ăn đồ nướng. Quanh năm có phố “vẫy” Tô Hiệu, phố “vẫy” Hồ Đắc Di… với rất nhiều quán cà phê bóng đá, ngõ “vẫy” trên phố Hàng Bông với rất nhiều quán nem chua nướng, đồ ăn vặt…
Từ vẫy đến “đạp” khách
Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, đa số những nhân viên vẫy khách đều là nam thanh niên còn rất trẻ, khoảng từ 10 - 30 tuổi. Mức lương họ được khá “bèo” chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng.
Tuy nhiên, với những lao động còn nhỏ, ở ngoại tỉnh lên Hà Nội, được làm công việc theo giờ, không mấy nặng nhọc thì khoản thu nhập thêm từ nghề “vẫy” khách này là khá hấp dẫn.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của đội “vẫy” khách là luôn phải tay không ngừng vẫy, miệng la to: “Anh/chị vào quán em ạ”. Ngoài ra, họ có thể kiêm luôn việc dắt xe cho khách, dẫn khách vào quán, bưng bê, dọn dẹp, trông xe…
Và cũng bởi được trả tiền cho việc kéo khách vào nhà mình, được tăng thưởng lương nếu như kéo được nhiều khách, nên nhân viên quán nào quán nấy bất chấp mọi cách phải “vồ” khách bằng được.
Bao vây khách, chèo kéo vào quán nhà mình |
Có thể khẳng định rằng “tố chất” không thể thiếu của bất cứ ai tham gia đội “vẫy” khách này đó là sự lỳ lợm. Không ngại ẩu đả với nhân viên quán đối thủ. Sẵn sàng nghe khách chửi, thậm chí chửi lại khách.
Một cậu bé tên Thành thuộc đội “vẫy” khách ở một quán trà chanh tại Ngã Tư Sở chia sẻ: “Đi làm phải bạo. Nhìn thấy khách tà tà xe vào lề đường là phải chạy ra mời ngay. Các anh lớn bảo phải chú ý đến chìa khóa xe của khách. Chỉ cần cầm vào chìa khóa thì khách kiểu gì cũng để cho mình dắt xe, rồi vào quán nhà mình”.
Quả thực, không ít khách vì nể sự săn đón cuồng nhiệt của đội vẫy này mà tặc lưỡi gật đầu vào quán. Tuy nhiên, với những người nóng tính, hành động chèo kéo đôi khi có phần bất nhã này dễ khiến họ nổi khùng. Nhiều vụ xô xát vì thế mà xảy ra.
Chúng tôi hỏi vui Thành: “Thế khách có hay bực mình phản ứng lại không?”. Cậu bé 16 tuổi, quê Nam Định này hồn nhiên trả lời: “Em thì chưa dính lần nào nhưng mấy anh lớn nhiều khi bị khách chửi ghê quá cũng chửi lại. Có anh đạp cả khách. Xong rồi thì các anh ấy thường cũng bị chủ quán đuổi”.
Cũng theo lời Thành kể, chuyện gây gổ với khách rất hiếm. Nhưng chuyện gây gổ với nhân viên ở những quán bên cạnh cũng đang xuống đường vẫy khách như họ lại thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân cũng chỉ bởi tranh giành “miếng cơm manh áo”, sự hiếu thắng và thiếu kiềm chế thường thấy ở những cậu thanh niên mới lớn.
Thiết nghĩ, nếu như đội nhân viên trẻ này không quá vồn vã, thể hiện được sự chào mời tôn trọng và lịch sự thì “vẫy” khách có thể đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, xem ra vẫy khách kiểu cuồng nhiệt này lại đang tạo thêm một hình ảnh xấu trong phong cách phục vụ vốn đã mang rất nhiều điều tiếng của quán xá Hà Nội.
Bài, ảnh: Linh San
Bình luận