Hôm nay, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Ngay lời phát biểu khai mạc, Thống đốc khẳng định NHNN không tổ chức sơ kết 6 tháng mà tập trung bàn xử lý nợ xấu và tái cơ cấu.
Chính sách tiền tệ đi đúng và trúng
Phát biểu khai mạc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã tranh thủ điểm lại bức tranh điều hành CSTT 6 tháng qua. Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong năm 2017, NHNN tiếp tục kiên định điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác theo hướng “đúng” và “trúng”.
Thống đốc cho biết, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%; tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Hiện, mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm mặc dù có sức ép tăng nhưng vẫn giữ ổn định.
Hiện, mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-10,5% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Cùng đó, tính đến ngày 30/6/2017 tăng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. “Tính đến nay dự trữ ngoại hối đã đạt trên 42 tỷ USD”, Thống đốc cho biết.
Cũng trong phát biểu khai mạc, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh việc trọng tâm của Hội nghị ngành hôm nay đó là triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Theo Thống đốc, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Ngày 19/7, Thủ tướng cũng đã ký chỉ thị 32 ban hành việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).
“Ngay lập tức, thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng, ngày 20/7/2017, tôi đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Đề án 1058.
Đồng thời, ngày 21/7, NHNN triệu tập tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành Ngân hàng nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 42 và Đề án 1058, chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, hệ thống các nhiệm vụ,giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả trong thực tiễn”, Thống đốc nói.
Xử lý nợ xấu
Có mặt dự hội nghị, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội - Dương Quốc Anh, nguyên là Chánh thanh tra NHNN đã phát biểu khá dài về những vất vả khi các cấp ngành chung tay xử lý nợ xấu.
Ông Quốc Anh kể, để ra được nghị quyết thì họp nhiều, lần một, lần hai lần nào phát biểu cũng rất nhiều ý kiến... “Theo dõi kỹ, tôi thấy sự thay đổi về mặt nhận thức lớn. Tôi xuất phát từ ngành ngân hàng nên rất mừng khi nhìn thấy câu đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của chủ nợ - đó là bên cho vay.
Từ chỗ cho rằng nợ xấu phát sinh chủ yếu sai phạm đến chỗ nhận ra nợ xấu có cả nguyên nhân chủ quan (cán bộ có sai phạm) còn có nguyên nhân khách quan (hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, môi trường kinh doanh)”, ông Quốc Anh nói.
“Nhưng quan trọng, các đại biểu quốc hội cũng nhận ra. Nợ xấu nếu không giải quyết được, vẫn còn nằm trong ngân hàng thì nền kinh tế còn khó khăn, không chỉ của ngân hàng mà là của nền kinh tế”, ông Quốc Anh khẳng định nhưng cũng nói luôn đề nghị của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đó là Nghị quyết mới giải quyết được vấn đề bất cập trong hệ thống pháp lý, nhưng với cố tình sai phạm, tác động môi trường... mong ngành ngân hàng hạn chế được.
Cũng tại hội nghị, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và Vụ Pháp chế giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
"Ngày 8/5/2017, NHNN đã có các văn bản cảnh báo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về những rủi ro, hạn chế, vi phạm, sai phạm phổ biến của các TCTD để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. "Tôi yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) quán triệt các chỉ đạo của NHNN tại các văn bản này tới cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống của mình, đồng thời khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy trình nội bộ, đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, không tạo sơ hở để lợi dụng, sai phạm", Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Thống đốc, trong các tháng cuối năm 2017 và các năm tiếp theo, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TCTD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, sai phạm. Trường hợp TCTD nào vẫn để những hành vi vi phạm đã được cảnh báo tiếp tục tái diễn trong hệ thống sẽ được xem như cố ý vi phạm, không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc sẽ bị xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Video: Mất 74 triệu đồng trong tài khoản - Ngân hàng thờ ơ, khách hàng bức xúc
Đối với Đề án cơ cấu lại các TCTD, các giải pháp đề ra tại Đề án tiếp tục tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành của TCTD; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm; các giải pháp về xử lý nợ xấu; và các giải pháp hỗ trợ để đảm bảo việc triển khai Đề án thành công.
Đối với Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu, đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ các NHTM và NHNN chi nhánh các tỉnh đã tập trung mổ xẻ các vấn đề.
Bình luận