Triệu Lê Bình sinh năm 1951 ở huyện Kiến Bình (thuộc thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp trung học, Bình chuyển đến làm công nhân cho một nhà máy ở khu vực tự trị Nội Mông Cổ.
Năm 1972, Bình thay đổi danh tính và gia nhập ngành công an ở Nội Mông Cổ với tư cách điều tra viên. Có thông tin cho rằng, việc Triệu Lệ Bình có thể "vịt bầu hoá thiên nga” là nhờ hành động dũng cảm “anh hùng cứu mỹ nhân”.
Được biết, vợ của Triệu Lê Bình là con gái của một quan chức cấp cao ở Nội Mông Cổ, cô gặp bọn xã hội đen trên đường và được Bình đi ngang qua dũng cảm giải cứu, từ đó cả hai nên duyên với nhau.
Với sự hậu thuẫn từ bố vợ, con đường chính trị của Bình như diều gặp gió. Từ năm 1990 - 2012, từ một điều tra viên, Bình dần được thăng chức lên trưởng phòng điều tra hình sự, giám đốc sở công an, bí thư đảng ủy công an. Chức vị cao nhất của Bình là Phó chủ tịch Ủy ban Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc của Khu tự trị Nội Mông Cổ vào năm 2012.
Ngoài sự giúp đỡ từ bố vợ, Triệu Lê Bình cũng dựa vào thực lực của chính mình để thăng tiến và chưa bao giờ lơ là trong công việc. Từ năm 1972 - 1985, Bình theo học điều tra hình sự tại Trường Cán bộ Công an nhân dân của Bộ Công an Trung Quốc, chuyên ngành Bình chọn là khám nghiệm hiện trường.
Trong khoảng thời gian đó, với kỹ năng khám nghiệm hiện trường xuất sắc và kinh nghiệm điều tra tội phạm tích lũy nhiều năm, Triệu Lê Bình đã giải quyết được nhiều vụ án khó khăn và quan trọng.
Năm 2005, Triệu Lê Bình là người đầu tiên đề xuất chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh" trong đấu tranh chống tội phạm hình sự. Năm 2009, Bình là người đầu tiên trang bị thiết bị truyền tin vô tuyến cho từng hộ dân chăn nuôi trên thảo nguyên để họ có thể gọi số 110 yêu cầu cảnh sát trợ giúp bất cứ lúc nào.
Không chỉ vậy, Triệu Lệ Bình còn là "nhà văn" hiếm hoi trong hệ thống công an. Bình giành được nhiều giải thưởng cho các tác phẩm tiểu thuyết, tản văn như Truyền kỳ Đại Tư Mã, Vương lăng nghi án, Tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc và con đường phát triển. Năm 47 tuổi, Bình gia nhập Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc.
Nếu không phải Triệu Lê Bình xảy ra mâu thuẫn với người tình 28 tuổi họ Lý và gây ra vụ truy sát rúng đông cả nước, thì quan lớn cảnh sát này có lẽ đã có thể “hạ cánh” an toàn với những chiếc tích hiển hách.
Sự việc xảy ra vào ngày 19/3/2015, Triệu Lê Bình cùng người tình họ Lý vào một khách sạn thành phố Xích Phong. Lý chỉ học hết tiểu học, từng bán rượu, sau đó kinh doanh quần áo. Lý và Bình đã bí mật quan hệ với nhau gần 13 năm.
Theo lời khai của Triệu Lê Bình, một tháng trước khi xảy ra vụ việc, Lý đòi phí chia tay 3 triệu nhân dân tệ (gần 10 tỷ đồng). Bình không chút do dự ngay lập tức chuyển tiền và chấm dứt mối quan hệ với Lý.
Tuy nhiên, sự dễ dàng của Bình khiến Lý nổi lòng tham. Ngày 19/3/2015, Lý hẹn gặp Bình ở khách sạn, khiến Bình lầm tưởng Lý muốn nối lại tình xưa.
Sau cuộc ân ái, lợi dụng lúc Bình không đề phòng, Lý lén ghi lại bằng chứng tham nhũng, hối lộ của Bình khi ông đang trả lời một "cuộc gọi rất quan trọng", đồng thời đe dọa sẽ tố cáo nếu không trả cho cô ta thêm một triệu nhân dân tệ (hơn 3 tỷ đồng).
Bản thân Triệu Lê Bình là một cảnh sát hình sự, ông nhận thức rõ cái bụng không đấy của những người có lòng tham vô độ. Với bằng chứng trong tay Lý, Bình sẽ trở thành nô lệ của cô ta hoặc hành vi tham nhũng sẽ bị bại lộ. Do đó, Bình nảy sinh ý định giết người diệt khẩu.
Nhận thấy ác ý trong ánh mắt và câu nói của Bình, Lý chạy trốn khỏi khách sạn. Đêm khuya ngày 20/3/2015, Triệu Lê Bình, một cán bộ đã nghỉ hưu 64 tuổi, lái chiếc Audi màu đen bám theo xe của Lý, khi đó tiếng động cơ ầm ĩ của hai chiếc xe và tốc độ nhanh như chớp khiến người qua đường sợ hãi. Cảnh rượt đuổi được các camera an ninh bên đường ghi lại rõ ràng.
Khi ép được xe của Lý dừng lại, Bình rút súng và bắn chết cô không một chút do dự. Triệu Lê Bình ném xác Lý vào xe của mình, đưa đến một ngọn núi hẻo lánh rồi đốt và chôn cất.
Dù vậy, dựa vào camera giám sát trên đường, thông tin khách sạn và lời khai của các nhân chứng, cảnh sát đã nhanh chóng phát hiện ra nơi chôn cất thi thể và bắt giữ Bình chỉ sau vài giờ gây án.
Cảnh sát cho biết khi bị bắt, trên người Bình vẫn còn mặc chiếc áo dính máu, trong xe có một khẩu súng và còn hai khẩu khác tàng trữ trong nhà riêng. Bình không phản kháng, thậm chí còn tán dương các đồng nghiệp “đến nhanh quá”.
Trong quá trình điều tra, ngoài việc tàng trữ súng bất hợp pháp và giết người, cảnh sát phát hiện lịch sử giao dịch ngân hàng của Bình có rất nhiều khoản tiền khổng lồ mà ông không thể giải thích rõ ràng.
Mở rộng điều tra, từ đầu 2007, Bình "mượn" 22 triệu nhân dân tệ (khoảng 72,5 tỷ đồng) từ Sở Tài chính Khu tự trị Nội Mông Cổ dưới danh nghĩa giải quyết tranh chấp một mảnh đất ở Thâm Quyến thuộc khu tự trị.
Sau đó, Bình tham gia dự án cải tảo trại giam của khu tự trị. Ban đầu, phân bổ tài chính cho dự án này chỉ có hơn 40 triệu nhân dân tệ (hơn 131 tỷ đồng), nhưng dưới sự "kêu gọi" của Bình, chi phí bị đội lên 120 triệu nhân dân tệ (gần 400 tỷ đồng). Tất cả số tiền thất thoát đều chảy vào túi riêng của Bình.
Ngoài ra, Bình còn lợi dụng chức vụ trong việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ để nhận hối lộ 23,68 triệu nhân dân tệ. Trong quá trình công tác ở sở công an, Bình vướng vào nhiều bê bối khác khi quan hệ tình cảm với một số nhân viên cấp dưới, ép cung nghi phạm gây án oan,…
Tháng 7/2015, Triệu Lê Bình bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 2/2017, Triệu Lệ Bình bị kết án tử hình vì tội giết người, nhận hối lộ và tàng trữ trái phép súng đạn. Bản án được thi hành vào ngày 26/5 cùng năm.
Bình luận