• Zalo

Quản lý vàng: Đại biểu chê Ngân hàng Nhà nước

Kinh tếThứ Tư, 31/10/2012 02:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến thẳng thắn cho rằng việc quản lý thị trường không có được “kết quả quan trọng” như Thống đốc đã trình bày.

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn cho rằng việc quản lý thị trường không có được “kết quả quan trọng” như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trình bày.

Trong phiên họp Quốc hội sáng nay (31/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sau 5 tháng hoạt động, Nghị định 24 vê quản lý thị trường có “kết quả quan trọng”. Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn cho rằng việc quản lý thị trường không có được “kết quả quan trọng” như vậy.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến khẳng định: “Nhận định này còn nhẹ nhàng và né tránh nhiều vấn đề rất nóng trong thời gian qua”.

“Chúng ta đang ngồi đây, còn ngoài kia hàng đoàn người xếp hàng chờ chuyển đổi vàng để có bao bì của SJC. Chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình”. - Ông Hiến thẳng thắn nói.

 
Theo ông Hiến, từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng, thị trường chia làm hai: SJC và phần còn lại. Phần còn lại luôn bám sát giá vàng thế giới còn SJC thường cao hơn giá vàng thế giới từ 2 đến 3 triệu đồng/lượng.

Ông Hiến băn khoăn: "Thống đốc đã nói vừa qua hệ thống ngân hàng mua 60 tấn vàng thế thì tại sao Nhà nước lại phải mua 60 tấn vàng trong lúc giá tăng, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỷ giá ổn định?".

Ngày 28/10 họp báo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết SJC nhận gia công và tính phí. Câu hỏi nữa mà ông Hiến đặt ra là SJC gia công vàng cho ai, tại sao giá chênh lệch như vậy, và chênh lệch vào túi ai, ngân sách Nhà nước có được hưởng không?

Cũng theo ông Hiến, từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách trên, số lượng không nhỏ các tổ chức kinh doanh vàng và người dân phải bỏ tiền túi ra chuyển đổi.

Ngày 19/1, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã cho phép SJC chuyển đổi 13 tấn vàng từ vàng miếng các thương hiệu khác sang thương hiệu SJC. Ngày 24/8, con số này là 16 tấn, tương đương 418.000 lượng.

Gần 30 tấn vàng là con số rất lớn nhưng “Quy trình chuyển đổi từ phi SJC sang SJC bị buông thả để mặc thị trường xoay xở, phần thiệt thuộc về người dân và các doanh nghiệp giữ vàng phi SJC” - Ông Hiến nhận định.

Gần đây, thị trường lại xôn xao hiện tượng vàng nhái SJC gây hoang mang cho người dân. Vấn đề ở chỗ chỉ SJC mới “có quyền phán đó là hàng nhái hay không” trong khi đó vàng vẫn là 4 số 9. Nếu là vàng nhái thật đó cũng là tất yếu theo quy luật thị trường. Và khi đã khẳng định đó vàng nhái, SJC sẽ thu chênh 3 triệu đồng/lượng.

Ông Hiến phân tích: “Chúng ta có thể làm phép tính. Dân chuyển đổi vàng mất 3 triệu đồng/lượng. Nếu vàng đó là vàng nhái thì phải bán lại cho SJC, dân mất thêm 3 triệu đồng nữa. Một lượng vàng, dân mất 6 triệu đồng”.

Người dân sẽ bị thiệt hại với vàng nhái nhưng theo ông Hiếu hiện sẽ rất khó cấm vàng nhái vì chênh lệch giá và độc quyền.

“Chỉ có ở nước ta, vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng” - Ông Hiến chia sẻ.

Vàng còn bất hợp lý khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới. Các Ngân hàng thương mại không được huy động vàng phải mua vào giá cao. Mục đích kéo sát giá thế giới không thực hiện được.

Ông Hiến kết lại: “Tôi nghĩ lưu giữ vàng là truyền thống, tập quán, là mục đích đề phòng rủi ro nên thị trường vàng vẫn tồn tại một cách khác quan".

Chốt lại, đại biểu Hiến xin mượn lời đại biểu quốc hội TP. HCM Trần Du Lịch là "không thể cấm nổi thị trường vàng”.

Bảo Lâm

Bình luận
vtcnews.vn