• Zalo

Quản lý tài khóa: Bộ trưởng Huệ học được nhiều từ bà xã

Kinh tếThứ Ba, 17/01/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Tại cơ quan chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà lại là “Phó”...Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa”.

(VTC News) – “Tại cơ quan chúng tôi là “trưởng” nhưng về nhà lại là “phó”. Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với vợ tôi, việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu gia đình chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa”.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ hóm hỉnh khi trả lời độc giả về quản lý tài khóa quốc gia tại Cổng TTCP chiều 17/1.

 

Không xin – cho

 

Khẳng định về việc sẽ tiếp tục mạnh tay với các biện pháp nhằm minh bạch thị trường giá cả tất cả các ngành hàng, thanh tra toàn diện sức khỏe các “anh cả đỏ”, kiên trì thực hiện các chính sách quản lý tài khóa nhằm kiềm chế lạm phát dưới mức 9% trong năm 2012, Bộ trưởng Huệ cho biết: Nhà nước sẽ vẫn quản lý về giá những mặt hàng như xăng dầu, doanh nghiệp chỉ được phép định giá trong khung giá mà Nhà nước quy định “chứ không phải định tự do như chúng ta lầm tưởng… Về  nguyên tắc thì đến năm 2013, giá điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công cơ bản điều hành theo cơ chế thị trường”.

 

Cho rằng, việc có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước trong vấn đề định giá xăng dầu là hoàn toàn cần thiết, Bộ trưởng Huệ nói: “ Cùng với việc nghiên cứu bổ sung một số điều cần thiết của Nghị định 84, chúng ta cũng kiên trì thực hiện Nghị định 84 để các doanh nghiệp có quyền tự định giá trong phạm vi khung khổ nhà nước đã quy định”.

 

Theo định hướng sắp tới dây, việc điều hành giá xăng dầu sẽ vẫn kiên trì theo Nghị định 84 song cũng đồng thời xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết, như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới.

Ngoài ra, nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi.

 

Đồng thời với thông tư về quỹ bình ổn giá giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng Luật giá hiện nay đang quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu.

 

“Nếu để các doanh nghiệp tự định giá, chúng tôi kiểm tra hậu kiểm thì khỏe hơn rất nhiều, chứ hoàn toàn không phải là chuyện xin cho”, Bộ trưởng Huệ khẳng định.

 

Vẫn bù nếu lỗ khách quan

 

Liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn, công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... nhằm minh bạch hóa hơn chi phí, giá thành, Bộ trưởng Huệ cho biết: Năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này.

 

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty xăng dầu - Petrolimex trong năm 2012. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.

 

Đối với thanh tra Bộ tài chính, Bộ sẽ chỉ đạo thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng nhưu xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc nhà nước, nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan.

 

Chia sẻ với độc giả về những khó khăn khi đồng lương không đủ “chạy” theo lạm phát, Bộ trưởng Huệ cho biết: Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì. Song Bộ trưởng cũng khẳng định, việc tăng tiền lương không liên quan đến cung tiền, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát mà lạm phát tại Việt Nam là do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công…

 

Thừa nhận, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng trong việc làm gia tăng giá cả các mặt hàng khi lương tăng song Bộ trưởng Huệ tin rằng, nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”.

 

Hóm hỉnh Bộ trưởng Huệ thừa nhận: Tại Cơ quan thì chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì thành “Phó” và  có lẽ đã học hỏi được nhiều từ “bà xã” trong việc quản lý chi tiêu gia đình để ứng dụng trong quản lý tài khóa.

 

Hiếu Anh

 

Bình luận
vtcnews.vn