• Zalo

Quản lý ‘bầy đàn’ đa cấp:Lãnh đạo công an Ninh Bình trần tình

Kinh tếThứ Sáu, 20/12/2013 11:35:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trưởng công an thành phố Ninh Bình lần đầu trần tình về những cái khó trong công tác quản lý mạng lưới bán hàng đa cấp.

(VTC News) – Trưởng công an thành phố Ninh Bình lần đầu trần tình về những cái khó trong công tác quản lý mạng lưới bán hàng đa cấp.


Thừa ủy quyền của Giám đốc công an tỉnh Ninh Bình Phạm Đức Hòa, mới đây, Trưởng công an thành phố Ninh Bình Nguyễn Văn Tứ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News về tình hình hoạt động, đời sống của các học viên thuộc Công ty TNHH thương mại Lô Hội (sau đây gọi tắt là công ty Lô Hội) trên địa bàn thành phố.


Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Tứ cho biết, vào giữa tháng 10/2013, số học viên Lô Hội trên địa bàn thành phố Ninh Bình tăng đột biến, chủ yếu là các học viên chuyển từ Thái Bình sang.

Theo thống kê của công an thành phố Ninh Bình, có lúc trên địa bàn toàn thành phố có hơn 1.500 học viên Lô Hội. Họ sống tập trung ở 3 phường, 1 xã gồm: phường Bích Đào, phường Ninh Sơn, phường Nam Bình và xã Ninh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Trưởng công an thành phố Ninh Bình (Ảnh: Minh Quân)
Ông Nguyễn Văn Tứ - Trưởng công an thành phố Ninh Bình (Ảnh: Minh Quân) 
Số học viên này tới từ 32 tỉnh thành khác, nhưng đa phần họ tới từ Nghệ An, Thanh Hóa và những tỉnh lân cận Ninh Bình. Họ chủ yếu là thanh niên ở độ tuổi 18 – 26. Đa số mới tốt nghiệp trung học phổ thông và gặp khó khăn trong việc tìm việc làm.

- Thực trạng đời sống của học viên Lô Hội trên địa bàn thành phố theo ghi nhận của lực lượng công an ra sao thưa ông?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết họ tới Ninh Bình để học, chia sẻ kinh nghiệm về bán hàng đa cấp do công ty Lô Hội tổ chức.

Còn qua báo chí phản ánh và dựa vào kết quả kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy điều kiện kinh tế của các học viên này rất khó khăn nên họ không thuê được nhà ở khu vực nội thành, mà lại thuê ở các phường, xã ven nội thành nhằm giảm chi phí.

Ở những khu vực trên, một số chủ hộ xây nhà mới sau khi chuyển đổi từ xã thành phường nên nhà cũ họ gần như không sử dụng tới. Các học viên Lô Hội thấy vậy đã thuê trọ.

Đúng như phóng viên VTC News phản ánh có tới 8 nhà trọ không đủ điều kiện tối thiểu để cho thuê. Chẳng hạn, diện tích không đủ tối thiểu 3m2/người, không có các thiết bị như giường, chiếu. Điện, nước, ánh sáng… không đảm bảo.

Do giá mỗi phòng trọ rộng chừng 25m2 – 30m2 lên tới 1,2 – 1,5 triệu đồng nên có tới 15 – 20 học viên Lô Hội cùng ở.

- Nói như thế có nghĩa là khu vực ven đô bị quản lý lỏng lẻo hơn nội thành?

 

Không biết lời lãi như thế nào, nhưng chiết khấu hơn 40% hoa hồng như vậy tạo ra sức hút lớn.


 
Không có chuyện đó. Về an ninh, trật tư ở khu vực nào cũng đều được quản lý chặt chẽ như nhau hết.


- Ông có bình luận gì về đời sống của học viên Lô Hội ở Ninh Bình?

Do điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nên họ phải thuê các nhà giá rẻ để ở và chấp nhận ở quá chật chội như báo chí đã nêu.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố là không để cho người lao động, học viên Lô Hội ở trong những căn phòng không đủ điều kiện như thế. Do vậy, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu các chủ hộ này dừng việc cho thuê trọ.

Mặc dù chưa cấp sổ đăng ký tạm trú cho các học viên Lô Hội trên, nhưng chúng tôi vẫn quản lý theo danh sách. Đến nay, vấn đề này đã được xử lý triệt để.

- Người dân địa phương có tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp không thưa ông?

Ở Ninh Bình không có nhiều bạn trẻ tham gia học tập và bán hàng đa cấp. Chỉ có các bác đã nghỉ hưu muốn đến nghe hướng dẫn, tư vấn về các loại thực phẩm chức năng trước khi quyết định mua về sử dụng, chứ họ cũng không tham gia vào bán hàng đa cấp.

- Theo ông vì sao người dân địa phương không tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp?

Nhiều nhà trọ trước đây là đại bản doanh của 15 - 20 học viên Lô Hội giờ bỏ hoang
Nhà trọ trước đây là đại bản doanh của 15 - 20 học viên Lô Hội giờ bỏ hoang  
Thứ nhất, người dân ở Ninh Bình rất thực tế. Ở Ninh Bình lại có nhiều nhà máy, xí nghiệp nên các lao động trẻ chọn đi làm công nhân hoặc vào miền Nam lao động thay vì chọn đi theo đa cấp.


- Hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu biến tướng chưa thưa ông?

Trước tiên, phải làm rõ vì sao bán hàng đa cấp lại có sức hút, tại sao nó lại lôi kéo được nhiều người tham gia như thế?

Chúng tôi cho rằng, một là do phần chiết khấu hoa hồng của các công ty này cho người tham gia bán hàng quá lớn. Chẳng hạn công ty TNHH thương mại Lô Hội chiết khấu tới hơn 40% hoa hồng. Không biết lời lãi như thế nào, nhưng chiết khấu như vậy tạo ra sức hút lớn.

 

Chỉ khi chính các phụ huynh đó vận động con em họ trở về với gia đình thì mới xử lý được triệt để tình trạng này chứ nếu chỉ dựa vào các biện pháp hành chính thì nay họ chạy chỗ này, mai họ chạy chỗ kia, rất khó cho lực lượng công an.


 
Thứ hai, nếu giới thiệu được càng nhiều thành viên, mức hoa hồng càng cao cho nên người ta ra sức lôi kéo thêm người nhà, người thân, bạn bè tham gia vào hệ thống để được hưởng nhiều “hoa hồng”.


Trên địa bàn thành phố hiện có 6 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động, nhưng duy chỉ có công ty Lô Hội tổ chức đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm.

- Được biết công an thành phố vừa có báo cáo với công an tỉnh về vấn đề này. Trong báo cáo có gì đáng chú ý?

Trong báo cáo, chúng tôi đánh giá rất kỹ về thực trạng của các công ty bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố từ 2011 tới nay trong đó nổi lên là công ty TNHH thương mại Lô Hội.

Trên cơ sở những vấn đề báo VTC News đã nêu, chúng tôi đã có đánh giá khái quát để cấp trên nắm được tình hình. Cùng với đó là kết quả sau khi chúng tôi triển khai các biện pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và hướng giải quyết triệt để tình trạng này.

- Trong thời gian tới, công anh thành phố Ninh Bình có những giải pháp gì để khắc phục thực trạng này thưa ông?

Thứ nhất, chúng tôi tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được so với việc đi bán hàng đa cấp và làm các công việc khác, cái nào có lợi, thiết thực hơn. Theo tôi, các đại lý, cửa hàng uy tín bày bán các sản phẩm có thương hiệu còn khó, huống chi việc người lạ tới từng ngóc ngách, nhà dân giới thiệu về sản phẩm đa cấp thì gần như người dân không mua.

Không mua là bởi họ không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Chưa kể thực phẩm chức năng gắn liền với sức khỏe của con người nên người dân sẽ thận trọng hơn khi mua sắm.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung tuyên truyền để một số chủ nhà trọ hiểu được rằng không nên vì lợi nhuận trước mắt mà vi phạm các quy định của pháp luật.

Công an cũng sẽ tăng cường công tác quản lý cư trú, các hoạt động thực tiễn của những người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp không chỉ của công ty Lô Hội.

Song song với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với gia đình của các học viên này để quản lý các em cho tốt. Chỉ khi chính các phụ huynh đó vận động con em họ trở về với gia đình thì mới xử lý được triệt để tình trạng này chứ nếu chỉ dựa vào các biện pháp hành chính thì nay họ chạy chỗ này, mai họ chạy chỗ kia, rất khó cho lực lượng công an.

- Xin cảm ơn ông!


Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn