Ngoài ba gia đình tài phiệt gốc Hoa giàu nhất Thái Lan là Sirivadhanabhakdi (TCC Holdings), Chearavanont (C.P Group) và Chirathivat (Central Group), một gia tộc tỷ phú Thái gốc Hoa khác cũng đang đầu tư vào Việt Nam là Chaleo Yoovidhya - cha đẻ của sản phẩm đồ uống tên tuổi Red Bull.
Trong số các nhà tài phiệt này, Dhanin Cheravanont - Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand Group (C.P Group) đã có mối quan hệ mật thiết trong kinh doanh với Trung Quốc từ những năm 1970.
Theo tờ Wall Street Journal, ông Dhanin Chearavanont, tỷ phú Thái Lan gây xôn xao khi mua Metro Việt Nam là một người gốc Trung Quốc.
Năm 2013, tỷ phú này đã chi 9,4 tỷ USD để thâu tóm cổ phần 15,57% trong công ty bảo hiểm bất động sản và thương vong lớn nhất của Trung Quốc là Ping An Insurance từ ngân hàng Anh HSBC. Thương vụ được thực hiện thông qua C.P Group của Dhanin.
Thậm chí, khi thực hiện thương vụ trên, Dhanin còn dùng một khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, một ngân hàng quốc doanh của nước này.
Tháng 6/2014, nhà mạng China Mobile của Trung Quốc rót khoản vốn đầu tư 882 triệu USD vào nhà mạng viễn thông Thái Lan True Corp. do Dhanin nắm quyền kiểm soát.
Lý giải về những thương vụ “khủng” giữa Dhanin với đối tác Trung Quốc, tờ Wall Street Journal cho biết, nguyên nhân có thể nằm ở việc tỷ phú này là người gốc Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, ông Dhanin dường như chỉ là "một người nước ngoài trên hộ chiếu mà thôi".
Dhanin từng khoe rằng, ông quen biết “hơn một nửa” số ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc.
Tại một sự kiện diễn ra ở Bangkok với sự hiện diện của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Dhanin là 1 trong số 1.000 người tham dự, nhưng khi chụp ảnh, ông là một trong những người đứng ngay gần bên Ôn Gia Bảo.
Theo tờ Nikkei Asean Review, khi Trung Quốc mở cửa kinh tế vào năm 1978, C.P Group là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào thị trường và sau đó trở thành công ty nước ngoài đầu tiên đăng ký kinh doanh tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông. Kể từ đó, CP Group sử dụng tên Chia Tai Group ở thị trường Trung Quốc.
Dhanin Chearavanont và các anh em của ông đều được sinh ra tại Thái Lan, nhưng đều được cha đặt cho một cái tên Trung Quốc.
Tên Trung Quốc của anh cả ông là Zhengmin, người anh kế là Damin, người anh kế nữa là Zhongmin và ông là Guomin. Tên tiếng Trung đầy đủ của ông là Xie Guomin.
Các chữ đầu tiên trong tên của họ có thể ghép lại thành "Zhengda Zhongguo”, nghĩa là "fair, great China" – “Trung Quốc tuyệt vời, công bằng”.
Hơn nữa, cha ông muốn chắc chắn rằng các con của mình được giáo dục bởi cả 2 nền tảng văn hóa là Thái Lan và Trung Quốc. Do đó, tất cả 12 anh chị em ông đều nói tốt cả tiếng Trung lẫn tiếng Thái.
Đầu tháng 5/2016, Tập đoàn Central Group của gia đình tài phiệt Thái Lan gốc Hoa Chirathivat đã chính thức hoàn tất chuyển nhượng thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỉ USD.
Theo đó toàn bộ hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam sẽ thuộc quyền sở hữu của Central Group thay vì Tập đoàn Casino (Pháp).
Sau khi cuộc chuyển nhượng, mua bán diễn ra thành công, báo chí trong nước đã tốn khá nhiều giấy mực để nói về chân dung của gia tộc người Thái Chirathivat - chủ sở hữu Central Group, một trong những gia tộc giàu nhất Thái Lan.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về “ông chủ thực sự” của hệ thống siêu thị Big C, trong đó, có ý kiến dẫn dắt đồn đoán rằng: người đứng sau đầu tư tiền cho Big C "không phải là người Thái Lan" mà là người Trung Quốc.
Những chia sẻ trên mạng xã hội được dẫn theo thông tin được cho là của một hãng luật TP. HCM.
Hãng luật này chỉ ra rằng, mặc dù người đại diện theo pháp luật mới của siêu thị là một người Thái nhưng không có tỷ lệ góp vốn, hay nói cách khác, là một Tổng giám đốc Thái Lan được Trung Quốc thuê. 3 cổ đông còn lại nắm giữ Big C đang sinh sống tại Trung Quốc và cơ quan đăng ký kinh doanh tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Hiện hệ thống siêu thị mang tên Big C trên toàn quốc đang được sở hữu bởi Công ty Cavi Retail. Mỗi siêu thị được thành lập dưới hình thức một doanh nghiệp có vốn do Công ty Cavi Retail góp.
Ngoài ra, Công ty Cavi Retail cũng đang sở hữu Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật, cho thuê mặt bằng của 32 siêu thị Big C tại Việt Nam, và Công ty TNHH Dịch vụ EB chuyên phân phối hàng hóa cho 32 siêu thị Big C tại Việt Nam.
Đáp trả lại thông tin này, Central Group vừa phát đi thông cáo khẳng định họ là tập đoàn 100% sở hữu của gia đình Thái Lan. Và những nội dung đã được chỉnh sửa, đưa trên các trang mạng xã hội là hoàn toàn bịa đặt.
Giống như nhiều gia đình tài phiệt lớn khác ở Thái Lan, gia đình Chirathivat là những người gốc Hoa. Nhà sáng lập Tiang Chirathivat đã di cư từ đảo Hải Nam đến Bangkok vào năm 1925.
Trong khi nhiều người nhập cư Trung Quốc khác đã chọn nơi kinh doanh tại khu phố Tàu ở Bangkok, Tiang lại mạnh dạn mở cửa hàng đầu tiên ở quận Thonburi ở ngoại ô thành phố, nằm ở phía bên kia con sông Chao Phraya so với khu trung tâm.
Ngày nay, tập đoàn 70 tuổi này đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trong ngành bán lẻ Thái Lan, với hơn 60 cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm.
Central Group cũng điều hành nhiều khách sạn và nhà hàng, với tổng cộng 5.000 địa điểm.
Năm nay, Central Group đã hợp tác với công ty thương mại điện tử JD.com - đối thủ chính tại Trung Quốc của Alibaba để thành lập hai liên doanh tại Thái Lan với tổng đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Đây là thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của Central Group với một đối tác Trung Quốc, và cho thấy rằng gia tộc Chirathivat đang quay trở lại nguồn gốc của mình để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, 90 năm sau khi ông tổ Tiang rời khỏi Trung Quốc.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, tỷ phú vừa mua lại hãng bia lớn nhất Việt Nam - Sabeco, sinh năm 1944, là một tỷ phú Thái Lan gốc Quảng Đông, Trung Quốc.
Ông Charoen là con thứ sáu trong gia đình có 11 anh chị em. Cha mẹ ông di cư từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Bangkok từ trước khi ông chào đời. Cả gia đình đông đúc sống nhờ vào gánh hàng rong ở khu phố người Hoa (Chinatown) tại Bangkok.
Ông chen chân vào ngành chế biến và sản xuất rượu khi chính quyền Thái bắt đầu tựđ
do hóa ngành này. Thành công đến liên tục và đến giữa những năm 1980, ông kiểm soát hoàn toàn thị trường rượu nội địa giá rẻ.
Ông Charoen sau đó lấn sân sang ngành bất động sản và các lĩnh vực khác như mía đường, ngân hàng, bảo hiểm. Công ty bất động sản TCC Land của ông sở hữu nhiều khách sạn, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn tại Mỹ, Singapore, Úc.
Theo Bloomberg, mục tiêu cuối cùng của tỷ phú này là xây dựng một "đế chế" thực phẩm – đồ uống tại Đông Nam Á, với nhiều "xúc tu"tỏa khắp ngành bán lẻ, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực vận tải, đóng gói, đóng chai.
Trong suốt 3 thập kỷ nắm quyền, cha đẻ của công thức nước uống tăng lực Red Bull chưa bao giờ xuất hiện trước báo giới cũng như đồng ý trả lời phỏng vấn của bất kỳ tờ báo nào.
Cha đẻ của Red Bull là Chaleo Yoovidhya đã mất vào năm 2012. Ban đầu, ông thành lập nên T.C Parmaceutical Industrial Co. vào năm 1956 để bán kháng sinh.
Tuy nhiên sau đó ông chuyển sang mảng nước uống tăng lực và năm 1975 đã sáng chế ra công thức cho loại đồ uống có tên gọi tiếng Thái là Krating Daeing hay “Red Bull”.
Video: Forbes tính tài sản của các tỷ phú thế giới thế nào?
Gia tộc Yoovidhya gồm 10 thành viên, nắm giữ 49% cổ phần của Red Bull GmbH trong khi đó, Chalerm Yoovidhya – người con trai cả của nhà sáng lập Chaleo Yoovidhya sở hữu thêm 2% cổ phần nữa.
Theo một nguồn tin thân cận, 7 thành viên trong gia đình Yoovidhya (không rõ thông tin chi tiết) cũng sở hữu cổ phần tại T.C Pharmaceutical – đơn vị kiểm soát 51% của Red Bull Trung Quốc.
Công ty lần đầu tiên bán loại đồ uống của họ tại Trung Quốc vào năm 1993 và xây dựng một nhà máy sản xuất tại tỉnh Hải Nam. Sau đó 2 năm, họ mở rộng hoạt động và hình thành nên liên doanh với Chanchai Ruayrungruang – một doanh nhân người Hoa gốc Thái có tên tiếng Trung là Yan Bin, tỷ phú giàu thứ 693 thế giới với tài sản 1,13 tỷ USD.
Bình luận