• Zalo

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đoàn Việt Nam chế bếp lửa dã chiến

Thời sự quốc tếThứ Năm, 16/02/2023 16:46:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam chế tạo bếp lửa dã chiến từ thùng kim loại để sưởi ấm.

Lực lượng Công an Việt Nam cưa thùng phuy để làm bếp dã chiến đốt củi sưởi ấm ngoài trời. (Video: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Ngày 16/2, Đoàn cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an tiếp tục tham gia CNCH tại tỉnh Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại khu vực cứu nạn, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đoàn Việt Nam chế tạo bếp lửa dã chiến. Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, bếp dã chiến được chế từ thùng phuy, dùng để đốt lửa sưởi ấm ngoài trời.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đoàn Việt Nam chế bếp lửa dã chiến - 1

Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ "nghiệm thu" bếp dã chiến do Lực lượng Công an Việt Nam chế. (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Sự chia sẻ không chỉ dừng lại đó, những tình nguyện viên địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có gắn bó nhất định với đoàn Việt Nam trong quá trình cứu hộ, cứu nạn. Một nam tình nguyện viên người Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra lưu luyến khi chia tay đoàn Việt Nam để chuẩn bị rời sang địa điểm khác. Aesir là Chủ tịch hội khoa học kỹ thuật của sinh viên 1 trường đại học ở thủ đô Istanbul. Anh đã đến làm việc với đoàn từ ngày đầu tiên có mặt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho các thành viên đoàn Việt Nam. Tối 15/2 (theo giờ địa phương), Aesir tới xin chữ ký của cán bộ, chiến sĩ trong đoàn vào chiếc áo bảo hộ. Anh cũng đề nghị được chụp hình kỷ niệm với từng thành viên và cả đoàn. Đây là tình cảm hết sức đặc biệt của người dân địa phương dành cho đoàn Việt Nam. 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đoàn Việt Nam chế bếp lửa dã chiến - 2

Phiên dịch địa phương Aesir và chiếc áo có chữ ký của đoàn Việt Nam. (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) 

Trong ngày, đoàn cứu nạn của Công an Việt Nam chủ yếu tập trung khai phá các khu vực là khu bếp và phòng khách của nhà 9 tầng sập, bẹp, chưa khai thác đến khu vực phòng ngủ.

Theo thông tin ghi nhận, toà nhà sập chỉ sau khoảng 50 giây từ khi bắt đầu động đất, dẫn đến phần lớn nạn nhân vẫn còn trong phòng ngủ, chưa ra được ngoài.

Kết thúc ngày làm việc, đoàn Đoàn CNCH Bộ Công an đưa được 1 thi thể ra ngoài.

Hôm nay, Đoàn Việt Nam trao viện trợ Y tế cho tỉnh Adiyaman. Đại diện Sở Y tế tỉnh Adiyaman gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, hỗ trợ của phía Việt Nam. Đại diện Sở Y tế tỉnh Adiyaman cho biết, những thiết bị này rất cần thiết cho y tế địa phương khắc phục hậu quả của động đất.

Trong khi đó, Lực lượng cứu hộ quốc tế và đoàn cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam đang tích cực ngày đêm giúp Hatay, khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất của động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, khắc phục hậu quả và tìm kiếm người gặp nạn.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay sau khi đến Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, được sự phân công của cơ quan điều phối Liên hợp quốc cũng như của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn đã đặc biệt thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân tại một địa điểm vào khoảng 3km2, với dân số trên 50.000 người. Trong 3 ngày thực hiện, đoàn tìm kiếm được 12 điểm có nạn nhân bị mắc kẹt và vùi lấp. Sau đó, cùng với các lực lượng chức năng của bạn và các lực lượng khác, đoàn tổ chức tìm kiếm và tìm được 4 thi thể nạn nhân ở các vị trí bị vùi lấp.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đoàn Việt Nam chế bếp lửa dã chiến - 3

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ thăm Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Trung Quốc. (Ảnh: Văn Hiếu/Báo QĐND)

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cũng chia sẻ về khó khăn của đoàn Việt Nam. Khó khăn nhất trong công tác cứu hộ là điều kiện thời tiết hết sức khó khăn và khắc nghiệt, nhiệt độ là 0 độ, rồi -5 đến -10 độ. Khó khăn thứ hai là thiệt hại quá lớn, hàng nghìn ngôi nhà của thành phố đều bị đổ, khu vực tìm kiếm trải rộng, nên khả năng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, kể cả các lực lượng trong nước cũng như các lực lượng quốc tế.

Để thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ, đoàn Việt Nam cũng sử dụng kết hợp chó nghiệp vụ, các phương tiện chuyên dụng, như dò tìm nạn nhân trong đống đổ nát thông qua các hình ảnh camera và thông qua hình ảnh camera xuyên tường. Sau khi trinh sát phát hiện, tìm kiếm xong, các vị trí sẽ được đánh dấu và bàn giao lại cho lực lượng cứu hộ, ứng cứu tại địa phương và lực lượng tại địa phương đó sẽ có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác nữa để đào bới và đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

Hiện nay, các lực lượng của chúng ta cũng như lực lượng của các nước đang quyết liệt không kể ngày đêm để sớm tìm được các nạn nhân trong thảm họa động đất gây ra.

Minh Tuệ - Phương Anh - Ngọc Thạch
Bình luận
vtcnews.vn