Trước tình hình phức tạp hiện nay tại Sudan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan “bình tĩnh và hết sức kiềm chế” và chuyển giao chính quyền một cách dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết: “Tổng thư ký Guterres theo dõi tình hình tại Sudan rất chặt chẽ. Tổng thư ký hy vọng "khát vọng dân chủ của người dân Sudan sẽ được thực hiện thông qua một quá trình chuyển đổi phù hợp và toàn diện. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ người dân Sudan trong quá trình chuyển đổi nền dân chủ”.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp vào ngày hôm nay để thảo luận tình hình ở Sudan - đất nước đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình ở châu Phi.
Hôm qua (11/4), Mỹ đã đình chỉ thảo luận với Sudan về bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là cuộc đảo chính và tuyên bố ủng hộ một đất nước Sudan dân chủ và hòa bình. Bộ Ngoại giao Mỹ hi vọng người dân Sudan sẽ có có một giai đoạn chuyển tiếp hoà bình do một chính phủ dân sự điều hành.
Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã chỉ trích động thái của quân đội Sudan, gọi đây là cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Uỷ ban Liên minh châu Phi Moussa Faki khẳng định, việc quân đội tiếp quản chính quyền không phải là cách phản ứng phù hợp với những thách thức mà Sudan đang đối mặt cũng như với nguyện vọng của người dân. Hội đồng Hòa bình và An ninh Liên minh châu Phi sẽ nhanh chóng họp để xem xét tình hình và đưa ra các quyết định phù hợp.
Ông Faki kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế tối đa và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, công dân nước ngoài và tài sản tư nhân, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi cũng đề nghị sớm tổ chức một cuộc đối thoại toàn diện để tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan về dân chủ và khôi phục trật tự Hiến pháp.
Trong khi đó, phản ứng trước tình hình tại Sudan, Ai Cập đã bày tỏ "sự ủng hộ hoàn toàn" đối với người dân và quân đội Sudan trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Ai Cập tin tưởng hoàn toàn vào "khả năng của người dân Sudan và quân đội trung thành với quốc gia trong việc vượt qua những thách thức trong giai đoạn quan trọng này để đạt được sự ổn định, thịnh vượng và phát triển". Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, Ai Cập tôn trọng chủ quyền và các quyết định mang tính quốc gia của Sudan.
Trước đó, Nga cũng đã kêu gọi người dân Sudan "bình tĩnh", đồng thời bày tỏ hy vọng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng bất kể ai lên cầm quyền tại Sudan.
Liên quan đến tình hình tại Sudan, hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Ahmed Awad Ibn Auf được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp. Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Kamal Abdelmarouf được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch hội đồng này. Truyền hình nhà nước Sudan đã phát hình ảnh hai nhân vật này tuyên thệ nhậm chức.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Omar Al-Bashir bị quân đội bắt giữ cùng ngày. Ngoài Tổng thống, Thủ tướng Mohamed Tahir Ayala, người mới lên nắm quyền chưa đầy 2 tháng đã bị bắt ở thủ đô Khartoum. Ngoài ra, trong số những người bị bắt còn có cả các cựu quan chức chính quyền như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Rahim Mohammed Hussein, lãnh đạo đảng Quốc Đại cầm quyền Ahmed Haroun và cựu Phó Tổng thống thứ nhất Ali Osman Taha.
Video: Đảo chính ở Sudan, Tổng thống bị phế truất
Sau khi bắt giữ Tổng thống Al-Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22 giờ đến 4 giờ sáng (giờ địa phương). Quân đội Sudan cũng thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf tuyên bố một hội đồng quân sự sẽ điều hành đất trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử.
“Chúng tôi tuyên bố ngừng bắn hoàn toàn trên toàn Sudan và thả tất cả tù nhân ngay lập tức, tạo bầu không khí hòa bình cho việc chuyển giao quyền lực, xây dựng các đảng phái chính trị và tổ chức cuộc bầu cử tự do, công bằng vào cuối thời kỳ chuyển tiếp”
Ông Al-Bashir trở thành Tổng thống Sudan sau cuộc đảo chính năm 1989 và là một trong những tổng thống nắm quyền lâu nhất ở Châu Phi. Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau khi các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12 năm ngoái, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Tổng thống Al-Bashir từng tuyên bố không từ chức và khẳng định cách duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử.
Bình luận