Theo bản ghi nhớ bị rò rỉ ngày 9/3, chính quyền quân sự Myanmar chỉ thị ngân hàng trung ương ra lệnh cho các ngân hàng thương mại phục hồi hoạt động đầy đủ, nếu không sẽ phải chuyển tài khoản tiền gửi cho Ngân hàng Kinh tế Myanma (MEB) của nhà nước và các ngân hàng quân đội Inwa Bank và Myawaddy Bank.
Bản ghi nhớ nêu rõ: "Nếu các ngân hàng tư nhân không mở cửa trở lại, Ngân hàng Trung ương Myanmar sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về hậu quả".
Tuy nhiên, một giám đốc ngân hàng cấp cao cho biết việc thuyết phục các công nhân đình công quay trở lại "gần như là không thể". Ngân hàng tư nhân lớn nhất Myanmar, KBZ, có khoảng 15.000 nhân viên và điều hành khoảng 500 chi nhánh trên khắp cả nước, đã bị "bêu tên" trên mạng xã hội vào tuần trước vì kêu gọi nhân viên quay trở lại làm việc.
Hơn 30 ngân hàng Myanmar, bao gồm khoảng 13 ngân hàng chính phủ hoặc bán chính phủ, quay cuồng vì tác động của chính biến ngày 1/2 khi số nhân viên tham gia phong trào bất tuân dân sự ngày càng tăng. Số nhân viên chỉ còn ở mức 20% đến 30% so với bình thường, khiến hầu hết các chi nhánh phải đóng cửa, dù nhiều ngân hàng cố gắng duy trì hoạt động các máy ATM.
Một nhân viên cấp cao ngân hàng cho biết các ngân hàng thương mại cũng bị người biểu tình gây áp lực trên mạng xã hội khi yêu cầu nhân viên trở lại làm việc. Theo nguồn tin này, ngân hàng bị "áp lực từ tất cả các bên". Phong trào đình công khiến họ chưa thể mở cửa trở lại, còn ngân hàng trung ương và chính quyền quân sự đe dọa thu giữ tiền gửi nếu họ tiếp tục đóng cửa.
Việc thúc giục các chi nhánh ngân hàng mở lại cũng cho thấy áp lực kinh tế đang gia tăng với Myanmar, trong bối cảnh hệ thống tài chính bị tê liệt.
Một giám đốc ngân hàng khác nói với Nikkei rằng tất cả các ngân hàng thương mại dự đoán được việc chính quyền sẽ "thực hiện một số hành động buộc ngân hàng mở cửa trở lại", nhưng viễn cảnh buộc phải chuyển tiền vẫn gây sốc.
Một số giám đốc điều hành cảnh báo về viễn cảnh bán quốc hữu hóa một phần hệ thống ngân hàng của Myanmar. Họ cho rằng điều này có nguy cơ làm mất lòng tin của công chúng đối với lĩnh vực ngân hàng và có thể mọi người sẽ rời bỏ các ngân hàng.
Những lo sợ về việc người dân rút tiền khỏi ngân hàng đã xuất hiện cách đây một năm với sự bùng phát của COVID-19. Theo một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tăng trưởng Quốc tế có trụ sở tại Vương quốc Anh, từ hai vụ sụp đổ ngân hàng lớn trong ba thập kỷ qua tại Myanmar, có thể thấy nước này có khả năng gánh chịu một vụ tương tự nếu vòng xoáy thiếu lương thực hoặc các hình thức suy thoái xã hội khác lại diễn ra vì COVID-19.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc hôm 15/3 cảnh báo giá lương thực và nhiên liệu tại Myanmar đang tăng cùng với sự "gần như tê liệt" của lĩnh vực ngân hàng. Điều này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo khi tình hình bất ổn chính trị bắt đầu tác động đến chuỗi cung ứng và thị trường tại Myanmar.
Bình luận