Trả lời họp báo ngày 29/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gửi quân đến Ukraine.
“Tổng thống (ông Biden) đã nói rất rõ ràng rằng quân đội Mỹ sẽ không hiện diện ở Ukraine”, ông Miller nói trong cuộc họp báo.
Khi được hỏi Mỹ có ủng hộ đề xuất của cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen về việc Ba Lan và các nước Baltic thành viên của NATO đơn phương triển khai quân đến Ukraine hay không? Ông Miller đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong khi đó, EU đã bác bỏ bất kỳ đề xuất can dự trực tiếp nào vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“Gửi bộ binh tới Ukraine là tham gia vào cuộc chiến, đồng nghĩa gây chiến với Nga. Không ai muốn điều đó, kể cả EU hay NATO”, Chỉ huy Bộ Tham mưu Quân sự Liên minh châu Âu (EUMS), Phó đô đốc Herve Blejean cho biết.
Dù Washington khẳng định không gửi quân đến tham chiến tại Ukraine nhưng Lầu Năm Góc từng thừa nhận rằng đã triển khai một số binh sĩ đến Kiev để bảo vệ các cơ quan ngoại giao và kiểm tra chương trình viện trợ.
Vào tháng 4, các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy 14 thành viên lực lượng đặc biệt Mỹ đã được triển khai tại Ukraine vào giữa tháng 3/2023, cùng với 50 đặc nhiệm đến từ Anh.
Ngoài các binh sĩ tại ngũ, còn có một số lượng không xác định công dân Mỹ đang chiến đấu bên cạnh lực lượng của Kiev. Nhiều công dân Mỹ đã bị quân đội Nga bắt giữ kể từ khi xung đột nổ ra cho đến nay.
Ngày 29/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, có tới "20 lính đánh thuê nước ngoài và cố vấn quân sự" đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ tạm thời của quân đội Ukraine ở thành phố Kramatorsk, vùng Donbass hôm 27/6.
Những hình ảnh và video chưa được xác minh được đăng tải trên mạng xã hội sau cuộc tấn công cho thấy, một nhóm các binh sĩ Ukraine không rõ đơn vị nói tiếng Anh và mang quân phục Mỹ xuất hiện tại căn cứ trên.
Bình luận