• Zalo

Quan chức Triều Tiên đào tẩu: Sự thật hay màn kịch của tình báo Hàn Quốc

Thế giớiThứ Năm, 01/09/2016 12:30:00 +07:00Google News

Một số chuyên gia cho rằng, việc tình báo Hàn Quốc liên tục 'dẫn nguồn tin thân cận' về các vụ xử tử quan chức hàng đầu của Triều Tiên thời gian qua có thể chỉ là để tô vẽ ra môt Bình Nhưỡng khó lường và bất ổn.

Chỉ trong vài tuần trở lại đây, tin tức về các vụ xử tử các quan chức Triều Tiên đã lan tràn trên khắp các mặt báo và phủ sóng trên khắp các phương tiện thông tin truyền thông Hàn Quốc. 

Mới nhất có thể kể đến vụ hành quyết phó Thủ tướng phụ trách giáo dục Kim Yong-Jin vì tội bất kính với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi bị phát hiện có 'tư thế ngồi xấu' trong một phiên họp Quốc hội.

kho-vu-khi-cua-kim-jong-un-p2-khau-sung-ban-bo-truong-quoc-phong-bb-baaadzpiou-1207

 Các vụ xử tử của Triều Tiên liên tục được đưa tin thời gian qua.

Tuy nhiên, nói về vụ hành quyết này, phía Seoul từ chối tiết lộ lý do tại sao Hàn Quốc tin rằng ông này bị xử tử hay làm thế nào để họ có thông tin này. Thay vào đó, phát ngôn viên Bộ thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-Hee chỉ nói ngắn gọn rằng 'không thích hợp để tiết lộ' các thông tin liên quan.

Cùng với đó, ông này khẳng định Bình Nhưỡng cũng đã yêu cầu hai quan chức khác tham gia lớp cải huấn vì các sai phạm.

Không lâu trước đó, tờ Joong Ang Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay, Triều Tiên hành quyết 2 quan chức cấp cao của nước này với cáo buộc làm trái lệnh nhà lãnh đạo Kim Jong–un.

Rõ ràng, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, tần số phủ sóng dày đặc các mặt báo của các vụ xử tử Triều Tiên khiến người ta không khỏi sốc và tự đặt câu hỏi điều gì thực sự đang diễn ra ở Bình Nhưỡng.

Nhưng theo Washington Post, mọi người chỉ mải cuốn theo câu chuyện của Hàn Quốc mà quên mất rằng những thông tin mà họ tiết lộ chưa biết thực hư thế nào dường như đang cố kể một câu chuyện về một Triều Tiên đang suy yếu.

Video: VĐV Triều Tiên được đón tiếp nồng hậu tại quê nhà

Một trong số đó có thể kể đến vụ đào tẩu của Phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại London hồi giữa tháng 8 mới đây. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nguyên nhân khiến ông Thae đi đến quyết định này là do 'vỡ mộng với chế độ, khát khao tự do và muốn đem lại một tương lai tốt hơn cho con cái mình'.

Cũng chỉ vài ngày sau đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết quan chức Triều Tiên quản lý tài chính của ông Kim Jong-un được cho là đã bỏ trốn tới một quốc gia không xác định ở châu Âu.

Đáng chú ý, tất cả các thông tin này đều được tiết lộ sau khi chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye áp dụng các lệnh trừng phạt hà khắc đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân vào tháng 1 của nước này.

Cuối tuần trước, trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống Park Geun-hye nhận định rằng hàng ngũ cầm quyền Triều Tiên gần đây đã và đang có những dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Scott Snyder, một chuyên gia chính trị chuyên phân tích các vấn đề về Triều Tiên cho rằng nhận định mang tính chủ quan của Tổng thống Hàn Quốc cũng như thông tin tới tấp về các vụ hành quyết các quan chức Bình Nhưỡng được Seoul tiết lộ thời gian gần đây chưa chắc đã phản ánh chính xác những gì đang diễn ra ở Triều Tiên.

“Tôi cho rằng khi những thông tin đó phù hợp với mục đích mà Hàn Quốc đang hướng tới, chúng sẽ được chia sẻ với giới truyền thông. Vì vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết chắc chắn những điều mà Seoul nói có đang thực chất diễn ra ở Bình Nhưỡng hay không”, nhà phân tích này nhận định. 

Trong khi đó, theo Christopher Green, nhà nghiên cứu về Triều Tiên đến từ Đại học Leiden ở Hà Lan cho rằng những phát hiện mới của Hàn Quốc về Triều Tiên hay những lời cảnh báo về những động thái của người láng giềng dường như chỉ để họ mang ra để nói với người dân của mình.   

“Liệu họ có đang tự biên tự diễn hay không. Tất cả đều rất khó nói”, ông Green cho hay.

Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia này nghi ngờ rằng những thông tin thu được từ cơ quan tình báo của Hàn Quốc thực chất chỉ là một cái cớ để họ vẽ ra một Triều Tiên bất ổn và khó lường.

Bởi trên thực tế, tình báo Hàn Quốc từng không ít lần mất điểm trầm trọng trong mắt báo giới, đặc biệt là sau khi ông Ri Yong Gil, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên, người mà Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) nói rằng "đã bị xử tử hồi tháng 2 vì tham nhũng, cấu kết bè phái và một số tội danh khác" bỗng dưng xuất hiện trong Đại hội đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hồi tháng 5.

Ông Ri không những có tên trong danh sách ủy viên Trung ương đảng, mà còn được bầu vào Quân ủy Trung ương và là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.

Song Hy (Nguồn: Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn