Tại Quốc hội chiều 26/10, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn báo cáo phòng chống tham nhũng nêu rõ còn 446/467 vụ án liên quan tới trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND không được thi hành.
"Vấn đề đặt ra là tại sao không xem xét xử lý trong khi pháp luật quy định rõ việc xử lý sai phạm. Tội không chấp hành bản án đã có rồi sao không được xử lý. Vấn đề này đặt ra là có cơ quan nhà nước bao che cho nhau, việc của dân thì đè xử còn cơ quan nhà nước thì không ai xử", ông Nhưỡng cho hay.
Ông Nhưỡng cũng nêu lên thực trạng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, nhất là giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương không được quan tâm, thậm chí không có thông tin, thờ ơ với tiếng kêu của người dân.
"Một số vụ việc người dân kêu oan, bức xúc gửi lên cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng không được xem xét một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng. Khi thông báo trả lời, đại biểu Quốc hội khẳng định không có cơ sở, rằng không có dấu hiệu phạm luật trong khi dư luận nêu ra đầy đủ cơ sở, lập luận, chứng cứ rõ ràng. Một số đơn vị, cơ quan thực hiện chính sách "nhạc không lời", tấu thì tấu, cuối cùng vẫn không trả lời. Hoặc lặng nhịp, chuyển sang vấn đề khác", ông cho hay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị làm rõ đánh giá trong báo cáo phòng chống tham nhũng rằng việc kết luận các hành vi tham nhũng trong sai phạm trong nhiều lĩnh vực còn gặp khó khăn.
"Đề nghị làm rõ ý kiến này để có biện pháp hiệu quả. Phải chăng do bao che hay có sự can thiệp trái pháp luật hoặc do năng lực cơ quan phòng chống pháp luật chưa đáp ứng được nhu cầu", ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ bức xúc khi cho rằng vụ Thuận Phong dù xảy ra từ nhiều năm nhưng kết quả cho tới nay vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Ông Cương cho biết ông và các đại biểu mới đây nhận được văn bản 4769 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Nhưng theo ông, việc xem xét và xử lý qua văn bản này là việc chỉ áp dụng bằng những văn bản có lợi cho cơ quan chủ trì, bỏ qua những ý kiến nêu rất đúng về bản chất và pháp luật.
Về vấn đề có liên quan tới hàng giả, vị đại biểu Ninh Thuận thắc mắc vì sao chỉ xem xét vấn đề phân bón đóng trong chai có phải là giả hay không. Trong khi đó, những sự giả khác như bao bì, nhãn mác, giả nguồn gốc xuất xứ lại bị bỏ qua.
"Hàng hóa bị bắt quả tang đóng chai ở Đồng Nai mà trên bao bì ghi là sản xuất tại Mỹ mà không bị coi là làm giả thì tôi xin hỏi việc này có thể chấp nhận được không?
Những người nông dân thật đáng kính nhưng cũng thật đáng thương. Họ trở thành miếng mồi ngon cho tội phạm. Họ không được bảo vệ dù họ xứng đáng được như vậy. Xin nhắc lại câu nói mà tôi từng nói: Ai cứu người nông dân Việt Nam?", ông Cương nêu quan điểm.
Bình luận