• Zalo

Quan chức Quốc hội: 'Quyền lực Bộ Công thương rất lớn'

Thời sựThứ Tư, 14/09/2016 16:06:00 +07:00Google News

Quan chức Quốc hội cho rằng Luật Quản lý ngoại thương quy định quyền lực của Bộ Công thương, Bộ trưởng Công Thương rất lớn nhưng việc giám sát chưa được thể hiện rõ.

Thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương, sáng 14/9, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở việc quản lý hoạt động ngoại thương.

phan thanh binh

 Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: VPQH)

Ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến: “Nhìn vào Luật còn thấy nặng nề, nào giấy phép rồi thậm chí quyền lực của Bộ trưởng Bộ Công Thương rất lớn, từ hạn ngạch, áp dụng cho anh nào đi, cho anh nào ở... Ở đây sự giám sát, minh bạch, công bằng vấn đề ngoại thương thể hiện ở khoản, điểm nào. Hạn ngạch là vấn đề rất khó trong xuất nhập khẩu thì các đồng chí minh bạch hoá, công bằng hoá những quyền lực của Bộ Công Thương trên những điều khoản nào?”

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương.

Ngoài ra, dự thảo cũng cần bổ sung làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, phối hợp chưa tốt, trách nhiệm không rõ ràng.

Cũng có cùng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt câu hỏi, luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, điều này hạn chế thế nào đến quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.

Liên quan biện pháp phòng vệ thương mại, ông Phan Thanh Bình cho rằng chính các doanh nghiệp Việt Nam có sự cạnh tranh chưa tốt.

Ông Bình cũng nêu ví dụ có hiện có hiện tượng chính nội bộ doanh nghiệp của Việt Nam cạnh tranh với nhau, hạ giá và nói xấu nhau trên thị trường thế giới.

“Đó là chưa kể hiện nay thương lái Trung Quốc đi về ĐBSCL đưa tiền và mua thẳng của nông dân, doanh nghiệp Việt thua vì giá cỡ nào họ cũng mua. Vậy xử lý vấn đề núp bóng trong nước thu mua, hạ giá cạnh tranh nhau, chèn ép nhau thì luật quan tâm vấn đề cạnh tranh thế nào?”, ông Bình đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình lưu ý, trong dự thảo vấn đề phòng vệ mới chỉ tính đến doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, nhưng khi khi doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài bị chèn ép thì luật này chưa làm rõ.

Video: Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII

Trong khi đó, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cũng lưu ý, xuất nhập khẩu của Việt Nam lâu nay còn phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Bảo đảm xuất khẩu, nhập khẩu làm sao không thua thiệt. Thực tế như ở biên giới với Trung Quốc đúng là doanh nghiệp bị thua thiệt rất lớn, có thời kỳ cửa khẩu hàng hoá ách tắc rất khổ cho doanh nghiệp. Làm thế nào đảm bảo cân băng hài hoà cung cầu và tính pháp lý cao trong luật”, Thượng tướng Võ Trọng Việt lưu ý.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn