• Zalo

Quan chức Quốc hội: 'Nghĩa tử là nghĩa tận' mà vòi vĩnh thì quá phản cảm

Thời sựThứ Năm, 27/07/2017 21:02:00 +07:00Google News

Quan chức Quốc hội cho rằng trong những trường hợp đám hiếu, cán cán bộ công chức cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và mọi hành vi gây khó khăn, vòi vĩnh đều rất phản cảm, không thể chấp nhận được.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với PV VTC News xung quanh vấn đề cách ứng xử của cán bộ công chức với người dân sau hàng loạt các vụ “lùm xùm” khiến dư luận bức xúc vừa qua.

pham tat thang

 Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Gần đây dư luận rất bức xúc trước cách ứng xử của các vị lãnh đạo quận Thanh Xuân, lãnh đạo phường Văn Miếu ở Hà Nội trong quá trình tiếp xúc với dân. Góc nhìn của ông về những vấn đề này thế nào?

Những vụ việc gần đây xảy ra thuộc hai nhóm cách ứng xử khác nhau: Gương mẫu gần dân trong cuộc sống đời thường và trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Vụ việc xảy ra với Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Xuân thể hiện việc không tôn trọng người dân. Là cán bộ công chức nhưng không tôn trọng và gương mẫu thực hiện các quy định. Ngoài ra, việc này cũng có khía cạnh nào đó thể hiện sự không gần dân, coi thường người dân.

- Thế còn vụ việc người dân tố cáo phải “lót tay” để làm giấy chứng tử liên quan đến cán bộ, lãnh đạo UBND Phường Văn Miếu, thì sao, thưa ông?

Vụ việc của bà Phó Chủ tịch UBND Phường Văn Miếu đã thế hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng người dân, không chia sẻ cảm thông với người dân. 

Nhân dân ta đã có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Dịp có việc hiếu như vậy phải hết sức tạo điều kiện cho người dân. Cán bộ phải làm như thế.

Vị Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu đã thiếu một lối ứng xử văn hoá trong một dịp hiếu – đây là dịp đáng nhẽ ra là phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

- Nhưng hai vụ việc này có điểm chung không, thưa ông?

Hai vụ việc này có điểm chung và có thể khái quát được đó là vấn đề xứng xử của cán bộ công chức với người dân. Những người là công bộc của dân nhưng lại không có hành vi ứng xử tôn trọng người dân, sự gương mẫu, tận tuỵ, trách nhiệm của công chức.

Qua đó, chúng ta thấy rằng ở đó còn thiếu cách ứng xử văn hoá cần thiết mà mỗi cán bộ công chức cần có.

- Cách phản ứng của lãnh đạo TP Hà Nội thế nào khi có phản ánh bức xúc của người dân thế nào, thưa ông?

Vụ việc liên quan đến vị Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Xuân đã có trả lời công chúng qua họp báo thường kỳ của TP Hà Nội.

Sự việc này đã có ý kiến của các bên liên quan. Sau khi người dân phản ánh, Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Xuân đã có phản hồi trở lại. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận rõ của cơ quan cấp trên về việc Phó Chủ tịch UBND Quận có sai hay không.

Video: Thông tin mới vụ cán bộ phường bị tố đòi 'lót tay' để làm giấy chứng tử

- Cách giải quyết của lãnh đạo TP Hà Nội trước những bức xúc của người dân ở Phường Văn Miếu đã hợp lý chưa, thưa ông?

Tôi cho rằng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung rất cương quyết, kịp thời. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu phải tìm hiểu ngay sự việc để xem nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm cán bộ.

Theo thông tin mới nhất, chiều 26/7, Chủ tịch UBND Quận Đống Đa đã quyết định tạm đình chỉ công tác 3 ngày đối với bà Nguyễn Thị Thuý Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu để điều tra làm rõ các phản ánh.

Tôi cho là khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo điều tra làm rõ thì việc triển khai của UBND quận Đống Đa là phù hợp.

Khi điều tra một vụ việc nào đó, cơ quan cấp trên phải yêu cầu đương sự giải trình. Hành vi của đồng chí Phó Chủ tịch phường Văn Miếu bị người dân phản ánh về thái độ trong quá trình điều hành công việc thì việc cho đồng chí đó tạm thời đình chỉ công việc trong 3 ngày để giải trình, đồng thời điều tra làm rõ thì cũng là hợp lý.

phuong van mieu 4

 Bộ phận một cửa của phường Văn Miếu.

- Là một đại biểu Quốc hội, ông đã từng được nhận phản ánh của người dân về thái độ hống hách, coi thường người dân của chính quyền cấp xã, phường?

Không chỉ bản thân tôi nghe mà chắc chúng ta cũng nghe nhiều. Thậm chí báo chí cũng phản ánh rất nhiều. Người dân còn gọi cách xử lý của một bộ phận cán bộ công quyền trong bộ máy hành chính của chúng ta “hành là chính”.

Như vậy, có những người có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề với dân trong bộ máy công quyền của chúng ta còn có tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn thái độ cậy chức, cậy quyền, coi thường người dân.

Hai vụ việc vừa qua ở Hà Nội mà báo chí phản ánh cũng phần nào thể hiện vấn đề này.

Tính chất của hai vụ việc tuy có hơi khác nhau nhưng đều có điểm chung là thể hiện sự không gần dân, coi thường người dân, không gương mẫu, không tận tuỵ trong công việc.

- Dân tố cán bộ phường Văn Miếu vòi vĩnh, gây khó để “ăn tiền” của cả người chết thì có phải là một hành động bất lương không, thưa ông?

Chúng ta nói nhiều đến văn hoá phong bì, bôi trơn, lót tay, tham nhũng vặt. Tất cả những khái niệm chúng ta dùng nhiều rồi. Điều đó để phản ánh thực tế có một bộ phận trong đội ngũ cán bộ công quyền ở nước ta có tinh thần trách nhiệm chưa cao, làm việc chưa tốt.

Một bộ phận có thái độ vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp, đối tác khi có công việc cần giải quyết. Đây là biểu hiện chúng ta phải lên án. Chúng ta chưa có những giải pháp thực sự hữu hiệu để giải quyết thực trạng này.

Vụ việc như ở phường Văn Miếu thì cũng cần điều tra cụ thể xem có biểu hiện vòi vĩnh hay không. Nếu có thì vẫn còn một bộ phận cán bộ vòi vĩnh người dân, gây khó cho người dân.

Đấy có lẽ là một hành động hết sức phản cảm. Những sự việc như thế chúng ta đã lên án rồi, mong muốn ngăn chặn và đẩy lùi nhất là đối với một việc hiếu.

pham tat thang 2 3

 

Đến việc làm thủ tục chứng tử cho người dân mà còn vòi vĩnh thì đó là hành vi hết sức phản cảm

Đại biểu Phạm Tất Thắng

Đến việc làm thủ tục chứng tử cho người dân mà còn vòi vĩnh thì đó là hành vi hết sức phản cảm.

Việc chứng tử lại là việc rất quan trọng của người còn sống đối với người đã khuất. Trong đó, giờ để tổ chức tang lễ rất quan trọng trong quan niệm truyền thống của nhân dân.

Bởi vì truyền thống văn hoá của Việt Nam "nghĩa tử là nghĩa tận”. Khi một người nằm xuống thì mọi người xung quanh thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với người đã khuất, với gia chủ.

Thậm chí là trước đó có hiềm khích trong đời sống hàng ngày thì khi một người nằm xuống thì dường như những xích mích trước kia cũng hoàn toàn được xoá bỏ, hoá giải.

- Từ hàng loạt những sự việc bức xúc vừa qua, khi cán bộ mà hống hách, cửa quyền và xa dân sẽ gây ra các hậu quả như thế nào, thưa ông?

Những người được coi là công bộc của dân mà không những không làm tròn trách nhiệm của mình mà còn gây khó khăn cho người dân. Thậm chí, một bộ phận cán bộ còn hống hách, cậy chức, cậy quyền, đòi hỏi chi phí bôi trơn mới giải quyết công việc sẽ tạo ra hình ảnh méo mó trong mắt người dân về những người công chức.

Những sự việc này nếu chúng ta không xử lý, để trình trạng kéo dài và trở thành phổ biến thì nhân dân sẽ mất niềm tin đối với đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta nói chung, niềm tin đối với nhà nước, bộ máy công quyền sẽ bị giảm sút.

Đã đến lúc chúng ta phải có quyết tâm cao và các giải pháp khả thi để ngăn chặn và đẩy lùi được hiện tượng này.

- Báo cáo của Uỷ ban Dân nguyện trong các kỳ họp Quốc hội đều nêu ra thực tế còn một bộ phận cán bộ công chức hách dịch, cửa quyền, xa dân...Thực tế như thế thì phải trong công tác cải cách hành chính trong những năm qua không thu được kết quả như mong muốn, thưa ông?

Đây là thực tế. Tuy nhiên, người dân phản ánh như vậy nhưng người dân phản ánh không chính thức, không có tố cáo chính thức, cụ thể để có được những chứng cứ để xử lý vụ việc nên chúng ta chỉ nghe qua dư luận và báo chí. 

Còn việc người dân phản ánh cụ thể như trường hợp ở phường Văn Miếu thì cũng là những phản ánh rất hiếm hoi, và cũng là phản ánh qua mạng xã hội.

Có thể do người dân tặc lưỡi cho qua, muốn giải quyết công việc cho nhanh gọn nên chấp nhận có sự “bôi trơn” nào đó để giải quyết công việc.

Nhưng như vậy thì có thể thấy việc cải cách hành chính, cải thiện thái độ và trách nhiệm của công chức dường như chưa đạt yêu cầu mong muốn.

- Để không còn những vị “công bộc của dân” nhưng lại “hành là chính” thì cần phải có giải pháp thực tế nào, thưa ông?

Một là chúng ta có quy định cụ thể, có chế tài khả thi để ngăn chặn những kiểu vòi vĩnh, đòi bôi trơn, kiểu tham nhũng vặt.

Thứ hai là đối với đội ngũ cán bộ công chức thì cần có quy định cụ thể. Cần xử lý những việc đã được phát hiện một cách nghiêm minh để ngăn chặn những hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân của đội ngũ cán bộ công chức. Cũng cần tạo điều kiện làm việc tốt, minh bạch. Tạo thu nhập tốt, công khai đối với cán bộ công chức.

Ở nhiều nước, khi cán bộ có sai phạm thì bị xử lý rất nghiêm nhưng những người cán bộ này cũng được tạo điều kiện rất tốt, thu nhập tốt nên khi giải quyết công việc thì họ phải nghĩ tới duy trì việc làm tốt, ổn định định quan trọng hơn việc vòi vĩnh đòi bôi trơn, đòi quà cáp từ người dân.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tuyên truyền cho người dân, động viên người dân khi gặp những hành động như vậy cần phản ánh cho cơ quan chức năng và kiên quyết không có hành vi tiếp tay cho cán bộ vòi vĩnh.

Xin cảm ơn ông!

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn