Ngày 22/8, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 10, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND.
Theo khoản 3 điều 60 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện...
Đánh giá về một trong những hạn chế, Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho hay, sau khi Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015 có hiệu lực thi hành, có những địa phương, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch tham gia tố tụng. Sau đó, Phó Chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Dự thảo Báo cáo giám sát dẫn chứng, trong 3 năm, TAND TP. Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tham gia tố tụng. Trong khi đó, tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP.HCM.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sau đó cho biết, theo quy định, chính quyền phải đối thoại với người dân trước khi tòa thụ lý nhưng nhiều nơi không làm đối thoại nên tòa không thụ lý được, phải đề nghị người dân về đối thoại.
Chánh án TAND Tối cao “đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát” nhưng cũng “chia sẻ với các Chủ tịch”. Theo ông Bình, mỗi năm ở TP.HCM, Hà Nội có cả nghìn vụ, mỗi ngày xử ba vụ thì mỗi ngày phải có ba ông chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa.
“Ngoài trách nhiệm thì phải có sự hợp lý của luật”- ông Bình nói và cho biết thêm, nhiều đoàn chất vấn Chánh án như đoàn HN, TP.HCM, đề nghị Chánh án có nghị quyết riêng về việc ra tòa của lãnh đạo thành phố. “Chúng tôi trả lời không được vì vượt luật và sau đó đã phải báo cáo UBTVQH”- ông Bình nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, điều 60 Luật TTHC được biểu quyết thông qua khi có đa số ĐBQH tán thành. Ngay khi mới bắt đầu thi hành, một số địa phương đã yêu cầu phải sửa ngay.
Bà Nga đặt câu hỏi, việc có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt như vậy có tôn trọng Luật của QH không? Có đúng nguyên nhân do không đủ cấp phó không?
“Chẳng lẽ trong ba năm trời ở một thành phố lớn không cử được một đồng chí phó nào cả? Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự cuộc hội nghị ngành nọ, ngành kia. Sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có. Tại sao những hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ, những hoạt động khác lãnh đạo vẫn đi được? Đây là câu hỏi cử tri phản ánh với ĐBQH. Còn nói 260/260 vụ chúng tôi không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?”- bà Nga nêu hàng loạt câu hỏi.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác, theo dự thảo báo cáo giám sát, hạn chế lớn nhất trong công tác thi hành án hành chính là tình trạng cơ quan THADS và chấp hành viên ngại va chạm với chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong ba năm (2015-2017), 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan THA đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan THADS cũng không đề nghị Tổng cục THADS kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý tách nhiệm người không chấp hành án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp sau đó đề nghị làm rõ, tại sao nhiều năm nay, từ khi có án này, chúng ta có một đánh giá “thường trực” là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này.
“Nguyên nhân là ở đâu, tại sao ngại va chạm, tại sao nể nang? Ở đây tính lệ thuộc của hệ thống tư pháp vào hành pháp ở chỗ nào? Có người nói lâu lâu, VKS, Tòa án phải xin tiền Ủy ban để có một số hoạt động thì không biết có đúng không? Hay lệ thuộc ở quyết định, nhận xét của cấp ủy trong quá trình bổ nhiệm lại? Thi hành án có lệ thuộc như thế không? Ở đây bản chất là gì?
Tưởng là ở huyện nể nang nên khó làm, nhưng lên tỉnh cũng nể nang. Vậy bản chất của nể nang, lý do tại làm sao?...”- bà Nga hỏi.
Bình luận