Thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng những tồn tại, hạn chế của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua nguyên nhân không chỉ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan Trung ương mà có trách nhiệm rất lớn của chính quyền một số địa phương.
"Ví dụ năm 2015, thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, chương trình mà Tổng Thanh tra vừa nêu, tôi được giao cho dẫn đầu một đoàn liên ngành các cơ quan trên đến một tỉnh của phía Nam xem xét 1 vụ việc cụ thể tồn tại rất dai dẳng, lâu dài về thi hành án dân sự.
Tính đến 2015, khi tôi đi, vụ án này đã có hiệu lực 14 năm, tòa án đã xử đến 4 lần và hồ sơ đầy đủ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định vụ án đã xét xử đúng pháp luật, không có căn cứ để có thể xem xét kháng nghị về mặt giải quyết.
Trong hồ sơ cũng tồn tại có tới cả chục văn bản của Bộ Tư pháp, của Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp gửi chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án dân sự địa phương đề nghị sớm dứt điểm vụ án này", đại biểu Pha nói.
Ông Pha kể tiếp làm việc với cơ quan chức năng, lý do duy nhất địa phương nêu ra, vì người phải thi hành án đó là một ông cụ năm đó 80 tuổi, lúc nào cũng thủ mấy can xăng ở trong nhà và nói nếu cưỡng chế sẽ đốt.
"Chúng tôi đã yêu cầu địa phương cho trực tiếp thực địa đến nơi có tài sản thi hành án đó và hỏi chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương, anh em đều nói thực ra nếu quyết tâm vẫn làm được.
Tôi hỏi trực tiếp đồng chí công an tỉnh, đại diện cho công an tỉnh tham gia đoàn, họ bảo nếu anh đến cụ thiêu thì công an có làm được không, anh cười và bảo khống chế tốt. Khi quay trở lại tỉnh làm việc với Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, tôi có nêu vấn đề ra và yêu cầu sớm giải quyết, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự có nói với tôi, kỳ này đang tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội Đảng toàn quốc, cho nên xin phép đồng chí để đại hội Đảng xong sẽ cho thi hành.
Thời gian cứ thế trôi qua, Đại hội Đảng các cấp cũng xong, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng xong, đồng chí Phó Chủ tịch đó cũng đã lên vị trí rất cao ở tỉnh rồi nhưng bản án vẫn không thi hành. Tôi nhớ đến cuối năm 2016 khi tôi chuyển công tác khác vẫn như vậy thôi", ông Pha thẳng thắn nói.
Vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng những nội dung nói ở trên đủ thấy rõ ràng có vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Thực sự nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế. Vì thế, tôi đề nghị trong văn bản của Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện cần có kiến nghị đậm nét về trách nhiệm của chính quyền địa phương", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp kiến nghị.
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
"Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc (tức là từ cơ sở), thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Báo cáo Chính phủ cần đánh giá sâu thêm về tình trạng này. Thực tiễn cho thấy, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo mà được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình, có lý ngay từ đầu tại cơ sở thì người dân đồng tình, chấp thuận, ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp", đại biểu Tô Văn Tám nói.
Vì vậy, ông Tám cho rằng cần hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai.
"Người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn.
Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất. Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu mà phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện", đại biểu Tô Văn Tám nêu.
Bình luận