Tư lệnh Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Scott Conn trả lời họp báo sáng 27/8, cho biết ông đã nhận được thông tin về các báo cáo Trung Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Đông, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực và Mỹ sẵn sàng phản ứng với các thách thức đe dọa.
“Liên quan đến việc họ phóng tên lửa, Hải quân Mỹ có 38 tàu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Và chúng tôi sẽ tiếp tục bay, di chuyển trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép để chứng minh cam kết của mình với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và để tái khẳng định (cam kết) với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
Ông cho biết thêm các lực lượng Mỹ đang “tiếp tục giám sát các cuộc tập trận trong khu vực, bao gồm cuộc tập trận của Trung Quốc” và “các lực lượng hải quân của chúng tôi sẵn sàng phản ứng với bất cứ mối đe dọa nào với các đồng minh hoặc đối tác trong khu vực”.
Phó Đô đốc Mỹ đang trên đường đến cuộc tập trận Rim of the Pacific kéo dài 2 tuần ngoài khơi quần đảo Hawaii, dự kiến kết thúc ngày 31/8. Cuộc họp báo ban đầu nhằm tập trung vào chuỗi tập trận này, song với diễn biến căng thẳng lên cao ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc, ông Conn dành phần lớn thời gian trả lời câu hỏi về Bắc Kinh.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cũng đã có bình luận của mình trên trang Twitter.
"Nếu Trung Quốc nghĩ rằng việc phóng tên lửa đạn đạo theo cách nào đó sẽ đe dọa được Mỹ và các đồng minh của chúng tôi thì họ đã nhầm lẫn một cách nghiêm trọng", ông Marshall Billingslea viết.
Vị quan chức Mỹ cũng dẫn lại thông tin đăng tải trên tờ SCMP về việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông nhằm mục đích đe dọa Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc để đưa Bắc Kinh trở lại quỹ đạo phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.
"Mỹ có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng tôi là một quốc gia ở Thái Bình Dương, ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong một thời gian dài. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ ở khu vực này, dù chỉ một tấc với bất cứ quốc gia nào", ông Esper nhấn mạnh trong chuyến thăm Hawaii.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc không thực hiện cam kết tuân thủ luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh đang muốn phô diễn sức mạnh ra toàn thế giới.
Trước đó, SCMP dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết, sáng 26/8, Bắc Kinh phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm trung ra Biển Đông.
Theo nguồn tin của SCMP, 1 tên lửa đạn đạo DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải, trong khi 1 tên lửa DF-21D khác được phóng từ tỉnh Chiết Giang. Hai tên lửa này đều rơi xuống khu vực thuộc giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra một ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc Mỹ điều một máy bay trinh sát U-2 vào một "vùng cấm bay" khi Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự bắn đạn thật hôm 25/8.
Nguồn tin của SCMP khẳng định động thái phóng tên lửa của Trung Quốc là để nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Washington.
“Đây là phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ tăng cường điều động chiến cơ và chiến hạm, tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông”, nguồn tin này khẳng định.
Tên lửa DF-21 có tầm hoạt động từ 1.800 km, được truyền thông Trung Quốc mô tả là tên lửa đạn đạo diệt hạm đầu tiên trên thế giới. DF-21D là phiên bản thiết kế cho mục đích chống hạm, cải tiến từ tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21A. Nó được cho là có tầm bắn khoảng 1.500 km, mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Trong khi đó, Dongfeng-26 (DF-26) có bán kích hoạt động lớn hơn (tầm 4.500 km), có khả năng tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển. Các phiên bản cải tiến DF-26 trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hàng không mẫu hạm và tàu chiến khác của Mỹ đồn trú xung quanh Trung Quốc và các căn cứ quân sự tại Guam.
Bình luận