(VTC News) - Trước những quan điểm bào chữa cho các bị cáo của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp để vạch tội 6 cựu quan chức ngành đường sắt.
Không bồi thường vì không có...bị hại?
Phiên tòa xét xử 6 cựu quan chức ngành đường sắt bị cáo buộc nhận tiền "lót tay" 11 tỷ đồng của công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) bước sang ngày làm việc thứ hai.
Trong phần tranh luận, nhiều luật sư đồng quan điểm với nhau cho rằng, vụ án này không có nguyên đơn dân sự, phía JTC không có đơn yêu cầu thu hồi số tiền đã giao cho RPMU nên không có căn cứ để truy tố các bị cáo.
Ngoài ra, các luật sư cho rằng, hành vi của các bị cáo không gây ra hậu quả, không làm thiệt hại đến Nhà nước; việc gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản khó có thể xác định được hậu quả.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hải Bằng cho rằng, hành vi của các bị cáo chưa gây hậu quả thì không cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Phạm Hải Bằng tại phiên tòa hôm nay (27/10) |
Số tiền 11 tỷ đồng là khoản chi hợp lý đối với bất kỳ doanh nghiệp nào và số tiền này đã có sự thỏa thuận giữa RPMU và JTC.
Luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng cho rằng, vụ án không xác định được bị hại thì không thể buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục cũng nêu quan điểm cho rằng trong vụ án này không có nguyên đơn dân sự, phía JTC cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Vị luật sư này trình bày thêm, số tiền 11 tỷ đồng do JTC tự nguyện chuyển cho RPMU để phục vụ một số công việc như hội họp, hội thảo, tổ chức lễ ký hợp đồng liên quan đến dự án giữa hai bên.
Luật sư này cho rằng không có cơ sở để truy tố bị cáo Trần Văn Lục về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Hiếu lại đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hiếu không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hành trong khi thi hành công vụ”.
Theo phân tích của luật sư này, việc các bị cáo Bằng, Huy, Thái nhận tiền của JTC diễn ra trước khi Hiếu quản lý chức vụ Giám đốc RPMU, nằm ngoài khả năng quản lý của Hiếu.
Theo phân tích của luật sư này, việc các bị cáo Bằng, Huy, Thái nhận tiền của JTC diễn ra trước khi Hiếu quản lý chức vụ Giám đốc RPMU, nằm ngoài khả năng quản lý của Hiếu.
Thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt, tích cực
Tại phiên tòa, vị đại diện Viển kiểm sát đã đối đáp lại các quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Theo đó, về vấn đề các luật sư cho rằng vụ án này không có nguyên đơn dân sự, không có căn cứ để truy tố các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho biết ngay từ đầu vụ án đã không xác định JTC là nguyên đơn dân sự.
Vị đại diện Viển Kiểm sát khẳng định, việc khởi tố, xét xử xuất phát từ đề nghị từ chính quyền Nhật Bản, sau khi phía bạn đã xét xử vụ án liên quan đến JTC trong việc cạnh tranh không lành mạnh.
Đại diện VKS đối đáp các quan điểm bào chữa của luật sư tại phiên tòa |
Về quan điểm của các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, phía Viện Kiểm sát khẳng đinh Nhật Bản xác định đây là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, ảnh hưởng đến chính sách ODA của nước này.
Theo vị đại diện Viện Kiểm sát, cáo trạng truy tố là có căn cứ. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là để Chính phủ Nhật Bản ghi nhận, tạo lòng tin phía nước bạn.
Đại diện Viện KSND đã vạch ra các quy định của pháp luật, quy chế của RPMU để nêu rõ, khoản chi phí 11 tỷ đồng mà JTC chuyển cho RPMU là không hợp pháp.
Tại phiên tòa sáng nay, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, các chứng cứ, tài liệu điều tra cho thấy các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, bàn bạc thống nhất từ trên xuống dưới.
Về phía các bị cáo, Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Bằng, Duy và Thái thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt, tích cực nhất. Từ quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ cho thấy dấu hiệu vụ lợi của các bị cáo rất rõ ràng.
Thông qua công vụ, các bị cáo đã có hành vi gợi ý để buộc nhà thầu phải có sự hỗ trợ tiền, sau đó sử dụng vào các mục đích riêng.
M.Chiến
Bình luận