• Zalo

“Quái vật trắm đen” Hồ Tây đã tuyệt chủng?

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 13/10/2016 07:05:00 +07:00Google News

Tình trạng ô nhiễm môi trường, lượng trắm đen Hồ Tây, đặc biệt là những con “khủng long” nặng vài chục ký, đã dần cạn kiệt, thậm chí có thể đã biến mất.

 Kỳ 2 (kỳ cuối): Trắm đen Hồ Tây đã biến mất?

Từ ngày công nghệ khai thác cá phát triển, giới câu trộm đổ về Hồ Tây săn trắm đen để vinh danh trong giới, rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, lượng trắm đen Hồ Tây, đặc biệt là những con “khủng long” nặng vài chục ký, đã dần cạn kiệt, thậm chí có thể đã biến mất.

Khoảng 20 năm trước, ốc Hồ Tây nhiều đến nỗi Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây khai thác không xuể, phải “bán cái” cho những ông chủ tư nhân. Những ông chủ này lại thuê người ngày đêm nạo vét dưới đáy hồ. Một người, mỗi ngày, có thể vét được cả tạ ốc. Cả trăm người làm nghề nạo vét ốc Hồ Tây, mỗi ngày vét lên gần chục tấn ốc, đủ cung cấp một phần cho TP Hà Nội.

Theo PGS-TS. Hồ Thanh Hải (Trưởng phòng Sinh thái môi trường nước, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), do có rất nhiều cống lớn đổ nước thải ra Hồ Tây từ nhiều năm nay, khiến tầng đáy ô nhiễm nặng, do đó, trai, ốc và các loại thân mềm không sống được. Những ngày lênh đênh nghiên cứu trên Hồ Tây, ông Hải phát hiện ra một điều lạ, đó là Hồ Tây rất nông, chỗ sâu nhất mới có 2,5m, còn trung bình chỉ sâu từ 1-2m. Trong khi đó, tầng bùn lại sâu đến cả mét.

IMG_3102

Câu cá ở Hồ Tây 

Khi ốc, là thức ăn chính của trắm đen dần biến mất thì lượng trắm đen, đặc biệt là trắm đen lớn cũng sụt giảm nghiêm trọng. Có thể nói, ở Hồ Tây, trắm đen khổng lồ đang trên bờ tuyệt chủng.

Hồi ông Nguyễn Viết Bân (nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân) còn phụ trách công tác khai thác cá, mỗi năm, đội thợ đánh bắt tóm được 10 đến 15 tấn trắm đen loại từ 40kg trở lên. Nhưng giờ đây, việc tóm được một con cỡ 20-30kg cũng rất khó khăn. Chỉ còn một số ít những con trắm đen rất khôn ranh, do tránh được những đợt càn quét của lưới vét và hàng vạn lưỡi câu giăng mắc dưới lòng hồ.

Kỹ sư Nguyễn Viết Bân là một chuyên gia cá giống hàng đầu Việt Nam. Dù đã nghỉ hưu, song ông vẫn liên tục ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Phi để truyền kinh nghiệm lai tạo giống cá cho các nhà khoa học nước bạn. Theo ông Bân, giống trắm đen không phải mất sức cho việc phát dục – giao phối – sinh nở khi sống ở trong hồ, nên khi nuôi trong ao hồ giàu thức ăn, chúng có tuổi thọ rất cao và trọng lượng rất lớn.

Giống trắm đen chỉ thực hiện chức năng sinh sản khi sống ở sông suối có dòng chạy mạnh, lượng ôxi trong nước cao. Việc nuôi trắm đen sinh sản bằng phương pháp nhân tạo hiện vẫn chưa đem lại hiệu quả, cả về kinh tế lẫn chất lượng, nên nguồn trắm đen giống vẫn phải bắt từ tự nhiên.

27kg

Một chú trắm đen khổng lồ câu được. Ảnh sưu tầm 

Các nhà khoa học phải lấy trung khu thần kinh chỉ đạo bộ máy sinh dục ở não của các loài cá rồi nghiền nhỏ, tiêm vào những con cá chửa. Hoặc có thể chiết xuất cholesterol từ nước tiểu của phụ nữ mang bầu tiêm vào cá chửa để kích thích cá đẻ.

Sau khi tiêm chất kích thích vào cá trắm đen chửa, các nhà khoa học thả cá chửa ra sông để cá đẻ rồi vớt cá bột về nuôi làm cá giống.

Do điều kiện sinh nở khó khăn như vậy, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên giống cá trắm đen rất hiếm và rất đắt, có giá vài chục đến cả trăm ngàn một con giống.

Nuôi trắm đen lớn chậm, không kinh tế, nên rất hiếm hồ nước có trắm đen, đặc biệt là trắm đen lớn. Nổi tiếng cả nước về nhiều trắm đen lớn là Hồ Tây và Đầm Trị, là hai hồ nước từng thông với nhau.

Giới cần thủ chỉ thích câu ở những hồ có trắm đen lớn, do đó, để thu hút được cần thủ, các hồ câu dịch vụ đều truy lùng “khủng long” để thả vào hồ của mình. Chính vì vậy, cá trắm đen khổng lồ trục lên từ Hồ Tây được bán với giá đắt khó tin.

DSC04135

Câu cá ở Hồ Tây 

Theo Tuấn “ba tiêu”, Hùng “râu”, hai cao thủ săn trắm đen Hồ Tây, giá trị của “khủng long” tùy thuộc vào cân nặng của nó. Một con trắm đen 10kg chỉ có giá chừng 150 ngàn đồng/kg, nhưng nó sẽ có giá 500 ngàn đồng/kg nếu nặng 20kg. Và khi “khủng long” nặng từ 30kg trở lên thì các chủ hồ tranh nhau mua với giá thấp nhất là 1 triệu đồng/kg. Săn được “khủng long” nặng vài chục ký, giới câu trộm cá đã kiếm được vài chục triệu đồng, chính vì vậy, xung quanh Hồ Tây mỗi ngày lượng lưỡi câu ném xuống hồ nhiều hơn, trong khi “khủng long” mỗi ngày một hiếm.

Video: Công nghệ đặc biệt cứu cá Hồ Tây

Dạo quanh Hồ Tây, có thể thấy tình trạng câu trộm cá mỗi ngày một đông đúc, ngang nhiên, phức tạp. Địa bàn câu được giới câu trộm phân định rõ ràng. Có nhóm cần thủ được chia ở quanh chùa Trấn Quốc, có nhóm chỉ ngồi ở sau trường Chu Văn An, có nhóm ở khu vực Phủ Tây Hồ…

Khu vực phường Bưởi có hàng trăm giàn câu được dựng lên, từ ven bờ, đến giữa hồ. Giàn câu được đóng bằng những cây tre, có giá đỡ, để các cần thủ ngồi “thiền” cả ngày lẫn đêm. Chạy dọc con đường ven Hồ Tây phía phường Bưởi, có thể thấy cọc tre cắm chi chít dưới lòng hồ, từ ven bờ ra đến giữa hồ, cách bờ cả trăm mét. Những chiếc cọc tre dùng để đánh dấu địa điểm thả mồi. Hàng ngày, họ đi thuyền, hoặc bơi ra tận chỗ cắm cọc thả mồi, rồi chờ cá vào để quăng lưỡi.

chonvonmomda

Câu cá ở khu vực chùa Trấn Quốc 

Nhắc chuyện câu trộm, ông Phan Ngọc Kim, Giám đốc Xí nghiệm nuôi trồng thủy sản (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây), tỏ ra rất bức xúc. Ngày trước, tiền thân là Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây, đã phối hợp với cả lực lượng công an và quân đội để bảo vệ nguồn cá trước những kẻ săn trộm, song hiệu quả không có nhiều.

Hồ Tây rộng gần 600ha, tổng chiều dài của bờ hồ lên đến 20km, trong khi đó, dân cư lại sống kín ven hồ, nên việc bảo vệ cá gần như bất lực.

Công ty Hồ Tây chỉ có thể đối phó với giới câu trộm bằng cách lập một đội bảo vệ trực thuộc công ty. Đội bảo vệ này thường xuyên chạy xuồng, kéo theo một cục chì để rà đáy hồ, gom lưỡi câu ba tiêu, là sát thủ của trắm đen. Mỗi ngày, đội bảo vệ này thu được cả thúng lưỡi, cước, song cũng chả thấm vào đâu. Hồ rộng mênh mông, nên nhìn thấy bóng xuồng quét từ xa, giới câu trộm đã gọi nhau kéo lưỡi lên bờ cả.

Việc tổ chức đội bảo vệ xua đuổi người câu trộm trên bờ càng không khả thi. Vì giới câu trộm toàn người bản địa, sống ở các làng ven hồ, nên bảo vệ đến, họ xúm lại tấn công thì mất mạng. Thực tế, gần chục năm trước, một nhóm câu trộm đã hạ sát một bảo vệ của Công ty Hồ Tây bằng gạch đá và súng cao su khi đi thu cần câu của họ.

Theo TS. Hồ Thanh Hải, loài trắm đen Hồ Tây sẽ tuyệt chủng trong thời gian không xa nếu không có biện pháp bảo vệ. Khi toàn bộ Hồ Tây bị ô nhiễm, khi môi trường sống biến dạng, động vật thân mềm tầng đáy không còn, thì trắm đen sẽ chính thức tuyệt chủng. Thật tiếc!

Dương Phạm

Bình luận
vtcnews.vn