• Zalo

'Quái vật' Thiên Ngọc Minh Uy 'hút máu' thế nào suốt 11 năm?

Kinh tếThứ Ba, 25/04/2017 13:02:00 +07:00Google News

Sau 11 năm hoạt động dưới tên Thiên Ngọc Minh Uy, công ty này đã mở rộng địa bàn hoạt động ra hầu hết các tỉnh với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người.

Thiên Ngọc Minh Uy có tiền thân là công ty Sinh Lợi. Năm 2006, Sinh Lợi bị Sở Thương mại TP.HCM ra quyết định thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp vì hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thiên Ngọc Minh Uy đóng cửa, công ty sinh lợi, công ty thiên ngọc minh uy, thiên ngọc minh uy bị tước giấy phép, thiên ngọc minh uy mới nhất, đa cấp lừa đảo, thiên ngọc minh uy, thien ngoc minh uy , đa cấp sinh lời, đa cấp lừa đảo, tin tức, tin tức trong ngày, an ninh, pháp luật , tin tức pháp luật, vtc, vtc news, vtc.vn

 Chi nhánh của công ty Thiên Ngọc Minh Uy. (Ảnh: Internet).

Không chịu thua, “cha đẻ” của Sinh Lợi – một thương gia người Trung Quốc “bay” ra Hà Nội xin cấp phép hoạt động với tên mới là Thiên Ngọc Minh Uy, tiếp tục mở chi nhánh hoạt động ở TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty Thiên Ngọc Minh Uy có tên nước ngoài là Thiên Ngọc Minh Uy Company Limited, viết tắt là Thiên Ngọc CO.,LTD. Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi đến 15 lần, lần gần nhất là vào ngày 10/7/2015.

Điều đáng nói, số vốn điều lệ của công ty này là 10 tỷ đồng với 3 thành viên góp vốn là nữ. Cụ thể bà Lê Thị Phương Thảo (trú 12/2 cư xá Lữ Gia, phường 15, Quận 11, TP.HCM) góp vốn 5 tỷ, tương đương 50%. Hai người còn lại góp vốn 2,5 tỷ, tương đương 25% là Nguyễn Thị Xuyến (Đội 10, xã Hà Châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) và bà Lâm Nữ (63/6A Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, QuậnTân Bình, TP. HCM).

Người đại điện theo pháp luật của công ty là bà Lâm Nữ với chức danh “Giám đốc”, người Hoa, sinh ngày 15/10/1984. Còn trụ sở chính thì đặt tại số A6/D11+A7D11/Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nghề nghiệp, trình độ của ba người góp vốn cũng không được nêu rõ trong các giấy tờ liên quan.

Hàng ngày, các “chuyên viên cao cấp” của Thiên Ngọc Minh Uy thi nhau rót vào tai người dân rằng các phương pháp kinh doanh truyền thống rất tốn công sức, thời gian mà hiệu quả thu về chẳng là bao trong khi kinh doanh theo kiểu của Thiên Ngọc Minh Uy sẽ chẳng mất gì, lại được tất cả.

Lợi dụng niềm tin và đánh trúng vào lòng tham của nhiều người, đặc biệt là những người có trình độ thấp, thất nghiệp muốn mau chóng đổi đời, nhưng lại lười lao động, Thiên Ngọc Minh Uy ráo riết mở rộng mạng lưới hòng vắt kiệt tài chính để thu lợi nhuận từ nhân viên của họ.

Bán sản phẩm chỉ là việc phụ, mở rộng mạng lưới mới là công việc chính của các nhân viên bán hàng đa cấp bởi như vậy, doanh thu bán hàng sẽ nhỏ, kéo theo nộp thuế ít. Trong khi đó, lợi nhuận của công ty lại rất lớn do sự đóng góp từ các thành viên mới.

Chính vì thế, một số người ví von công ty này giống như một con "quái vật chuyên hút máu người".

Tháng 3/2016, Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên gây nhiều chú ý trong dư luận khi bị đưa vào danh sách 7 công ty kinh doanh đa cấp cần phải thanh tra. Tuy nhiên, ngày công bố kết quả thanh tra sau đó liên tiếp bị trì hoãn.

Đến ngày 11/7/2016, Bộ Công Thương mới chính thức ra thông báo. Tuy nhiên, kết quả thanh tra vẫn vắng bóng cái tên là Thiên Ngọc Minh Uy.

Phải đến tận đầu năm 2017, những sai phạm tại công ty Thiên Ngọc Minh Uy mới được công bố. Theo đó, các sai phạm cụ thể là: Một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho của công ty có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.

Một số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp của công ty ký với nhà phân phối không ghi đầy đủ thông tin của nhà phân phối theo quy định.

Công ty cũng chưa thực hiện việc đào tạo cơ bản, cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp và cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp theo quy định cho toàn bộ nhà phân phối đang hoạt động.

Ngoài ra còn nhiều sai phạm khác liên quan đến sản phẩm kinh doanh hay giá trị tiền mặt khuyến mại mà nhà phân phối có thể được hưởng từ từng đơn hàng có thể vượt quá giá trị của đơn hàng đó.

Theo báo cáo của các sở công thương, trong năm 2016, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã vi phạm 80 lượt đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42 và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.Theo đó, công ty này đã bị xử phạt tới 215 triệu đồng và là công ty bị phạt nhiều nhất năm 2016.

Tuy nhiên, phải đến ngày 25/4, công ty Thiên Ngọc Minh Uy mới có đơn xin tự dừng hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cho biết, hiện đang tiến hành các quy trình chấm dứt hoạt động, để công ty này giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.

Bộ yêu cầu doanh nghiệp này có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Người tham gia bán hàng đa cấp có bất kỳ khiếu nại về việc công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với mình có thể gửi yêu cầu.

Video: Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy có dấu hiệu lừa đảo

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn