Sinh vật kỳ lạ được phát hiện trong một lỗ khoan thăm dò khoáng sản, được đặt tên là Eumilipes persephone. Paul Marek, nhà côn trùng học tại Đại học Bách khoa Virginia, Mỹ cho biết nó sống ở độ sâu 60 m dưới mặt đất.
"Sinh vật nhỏ bé này chỉ dài 0,09 m, có tới 330 khúc thân, một cái đầu hình nón với những chiếc râu khổng lồ và một cái mỏ đề kiếm ăn", Marek - tác giả chính của bài báo mô tả loài cuốn chiếu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports - cho hay.
E. persephone có tới 1.306 chân. Chúng thiếu mắt và sắc tố. Mỗi chân của nó phụ trách việc đào các "đường hầm" xuyên qua đất. Dọc theo cơ thể của E. persephone là 100 tuyến có thể tiết ra độc tố giúp ngăn chặn các kẻ săn mồi như kiến, bọ cánh cứng và chuột chũi.
Thân hình thuôn dài cùng một số đặc điểm khác khiến chúng hoàn toàn khác biệt so với những họ hàng sống trên mặt đất.
Các nhà khoa học cho biết E. persephone là sinh vật nhiều chân nhất hành tinh. Kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi một loài bò sát xuất hiện ở California năm 2006 với 750 chân.
Theo Marek, các loài cuốn chiếu mọc chân mới trong suốt cuộc đời của nó. Do đó, kỷ lục 1.306 chân mà con E. persephone đang nắm giữ hoàn toàn có thể bị xô đổ trong tương lai.
Vì sống trong vùng khai thác nên E. persephone đang gặp nguy hiểm. Cho tới nay, mới chỉ có khoảng 10 con E. persephone được phát hiện nên không rõ quần thể sinh vật này đông đảo hay thưa thớt ra sao.
“Lý do tôi thực hiện nghiên cứu là để tìm hiểu sự đa dạng sinh học của hành tinh và ngăn chặn thứ gọi là sự tuyệt chủng ẩn danh, nơi một loài sinh vật đứng trước ngưỡng tuyệt chủng mà chúng ta không biết gì về nó. Tôi hy vọng chúng ta có thể tìm hiểu thêm về các sinh vật này và bảo tồn môi trường sống của chúng", Mark cho hay.
Bình luận