Cọ là cây đặc trưng ở vùng núi, trung du như Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh... Ngày trước, lá cọ được dùng để lợp nhà, hàng quán và các khu chợ. Cây cọ ra quả từ tháng 7 Âm lịch và kéo dài đến hết tháng Chạp, quả chi chít rất sai. Nhiều vị khách phương xa khi đi qua những đồi cọ thường đặt câu hỏi quả cọ ăn được không và ăn như thế nào .
Quả cọ ăn được không?
Quả cọ không chỉ ăn được mà còn được coi là món đặc sản. Các món ăn từ cọ đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ của nhiều người miền trung du khi đi xa.
Quả cọ chỉ nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, hình bầu dục, tựa như quả trám nhưng ngắn và mập hơn, cùi dày hơn rất nhiều so với quả trám và có màu vàng đậm đặc trưng. Quả cọ chín đúng độ thu hoạch sẽ có màu xanh đen, lớp vỏ ngoài mỏng, dễ bóc và tách lớp, phần cùi màu vàng đậm, thịt cứng, vị ngọt, bùi béo, lại hơi chát, rất lạ miệng.
Theo kinh nghiệm dân gian, cây cọ cho quả ngon phải là cây cọ lâu năm, và đặc biệt không được chặt lá thì quả cọ mới dày cùi, đỡ chát thịt. Quả cọ khi trẩy xuống lấy dao gọt lớp cùi thấy dày cùi, màu vàng đỏ đậm thì đó là cọ ngon.
Mỗi cây cọ thường có 4- 6 buồng chi chít quả. Cọ sai quả nhưng không phải cây cọ nào cũng cho quả dày thịt, vị ngọt bùi và thơm ngon như nhau.
Người vùng cọ phân loại quả cọ thành cọ nếp và cọ tẻ. Cọ nếp ngon hơn, om lên có vị dẻo và mềm hơn, lại tiết ra lớp mỡ vàng óng. Giá cọ nếp lên đến 100.000-110.000 đồng/kg trong khi cọ tẻ chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng/kg.
Quả cọ ăn thế nào?
Cách chế biến quả cọ phổ biến nhất là om hay ỏm. Quả cọ sau khi mua về và chọn lựa sẽ được đem xóc trộn để làm sạch lớp vỏ ngoài. Người ta thường dùng một cái rổ hay rá mắt vừa, đổ đầy nước rồi vừa sàng vừa xóc cho quả dần tự bong lớp vỏ ngoài.
Sau khâu xóc trộn làm bong vỏ là công đoạn om trong nồi nước (chứ không phải luộc). Nước không được đun sôi vì nhiệt độ cao sẽ làm quả teo và cứng, không ăn được. Quả cọ chỉ được ngâm trong nước nóng khoảng 70 độ C, thò ngón tay vào cảm thấy khó chịu phải rụt lại nhưng không bị bỏng.
Không cần om cọ quá lâu, chỉ khoảng 15-20 phút cho đến khi mặt nước nổi váng màu vàng là được. Trong quá trình om cọ, điều quan trọng nhất là phải chú ý nhiệt độ của nước và thời gian; người khéo léo sẽ căn đúng các yếu tố trên để có được những quả cọ mềm, ăn bùi bùi mà không quá chát. Nếu không đúng nhiệt độ, thời gian quả cọ sẽ chát và cứng, khó ăn.
Quả cọ om có phần cùi vàng ươm như mật ong, dậy mùi thơm đặc trưng, chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng để tăng thêm hương vị.
Cọ om có thể dùng ăn trực tiếp hoặc đem đồ xôi, kho thịt, cá hoặc đem muối. Loại quả này giúp giải ngấy, kích thích vị giác. Đặc biệt trong những dịp cuối năm, khi chán mâm cao cỗ đầy, món cọ om dân dã giúp đổi vị khiến mọi người ngon miệng hơn.
Những năm gần đây, quả cọ trở thành mặt hàng "hot" trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là khi nhiều người ca ngợi đây là thức quà tuổi thơ, kể lại kỷ niệm hồi bé nhìn cọ rụng đầy vườn, bố mẹ nhặt rửa, om cả bát to để cả nhà cùng thưởng thức. Nhiều bạn trẻ thi nhau tìm mua, ăn thử, check in cùng thứ quả dân dã này và đánh giá đây là thứ quả ngon, hương vị độc đáo.
Clip om quả cọ đầu mùa thu hút 1,4 triệu lượt xem trên TikTok. (Nguồn: Huyền bún)
Clip này thu hút đến tận 2 triệu lượt xem và 200 lượt yêu thích. (Nguồn: Xiêm Vlog)
Bình luận