Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) với sản phẩm đầu tay là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đang được báo chí nhắc tới nhiều vì được rót vốn tới 7.000 tỷ đồng nhưng lại gây ra khoản thua lỗ 3.000 tỷ đồng.
Không lâu sau khi kết quả kinh doanh bết bát này được đăng tải rộng rãi trên mặt báo, ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVtex đã vắng mặt nhiều ngày qua mà không được sự chấp thuận. Trước đó, ông Duy có đơn xin ra nước ngoài chữa bệnh nhưng không được sự đồng ý của cơ quan quản lý.
PVtex thành lập vào tháng 3/2008 trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Trong đó, Vinatex chiếm 14% vốn ban đầu, tương đương 22,4 tỷ đồng.
Vì vậy, quá trình thua lỗ kéo dài của PVtex được coi là có tác động nhiều nhất tới PVN và Vinatex. Tuy nhiên, do Vinatex sớm rút ra khỏi PVtex nên mức độ ảnh hưởng được cho là không quá lớn.
Thế nhưng, khó có thể “đong đếm” được thiệt hại có thể có mà PVtex gây cho Vinatex vì Vinatex ra đi khá lặng lẽ và không công bố rộng rãi trước dư luận. Trong các báo cáo của mình, Vinatex cũng không hề nhắc tới PVtex.
Năm 2009, chỉ 1 năm sau khi PVtex dựa trên “mối lương duyên” chính của PVN và Vinatex, trong báo cáo tài chính của mình, Vinatex không hề đả động đến Vinatex dù đã chi 22,4 tỷ đồng để trở thành cổ đông sáng lập công ty.
Trong báo cáo tài chính, Vinatex cho biết công ty mẹ Tập đoàn có 25 công ty liên kết nhưng chỉ chỉ ra 5 công ty quan trọng. Trong 5 công ty quan trọng đó không có tên PVtex. Điều đáng nói, ở “công ty quan trọng” công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Vinatex nắm giữ 14,72% vốn, không nhiều hơn quá nhiều tỷ lệ vốn của Vinatex tại PVtex.
Kể từ năm 2010, Vinatex không hề đề cập tới việc thoái vốn tại PVtex nhưng trong báo cáo tài chính hàng năm, Vinatex luôn ghi nhận những khoản doanh thu từ bán cổ phần đạt hàng chục tỷ đồng. Có thể, số tiền bán cổ phần PVtex được ghi nhận trong chỉ tiêu này.
Vì Vinatex không đề cập chi tiết tới PVtex trong báo cáo tài chính nên không rõ ông lớn ngành dệt may này bị ảnh hưởng như thế nào từ PVtex. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng mà Vinatex có lẽ không quá lớn vì Vinatex rút lui khi PVtex chưa thua lỗ quá nặng nề.
PVN chịu ảnh hưởng nặng nề từ PVtex nhiều hơn Vinatex vì hiện tại, PVN nắm giữ tới 89,96% vốn của PVtex. Tính đến 30/6/2016, vốn chủ sở hữu đã bị âm 823,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế của nhà máy đã hơn 3.008 tỷ đồng. Như vậy, tính theo tỷ lệ vốn góp, PVN sẽ phải “gánh” tới 2.706 tỷ đồng tiền lỗ.
Tuy nhiên, cũng giống như Vinatex, trong các báo cáo tài chính của mình, PVN không hề nhắc tới tình trạng vốn của mình tại PVtex. Vì thế, không rõ PVN có phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này không.
PVN và Vinatex không phải 2 ông lớn hiếm hoi có mối liên hệ với PVtex. Có một ông lớn ít được nhắc đến hơn chính là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). DPM rót vốn vào PVtex từ năm 2009 với tỷ lệ nắm giữ lên tới 25%.
DPM là đơn vị duy nhất có báo cáo cụ thể về tình hình vốn góp của mình tại PVtex. Theo đó, không lâu sau khi nắm giữ cổ phần PVtex, DPM đã nhận được lợi nhuận hơn 23,1 tỷ đồng. Năm 2013, giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty liên kết PVtex tại ngày đầu tư là 451,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ năm 2014, DPM bắt đầu nhận trái đắng từ PVtex. Tới năm 2014, DPM đã đầu tư 562,7 tỷ đồng vào PVtex. Và đến cuối năm 2014, công ty đã ghi nhận tổn thất 364 tỷ đồng tương ứng với mức lỗ của PVtex theo tỷ lệ sở hữu.
Tới cuối năm 2015, DPM trích lập dự phòng toàn bộ 562,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư thua lỗ tại PVtex. Khoản trích lập dự phòng này bằng 38,3% lợi nhuận sau thuế DPM có được trong cả năm 2015. Nhưng điều đó cũng nghĩa hoạt động của PVtex sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của DPM từ năm 2016 trở đi.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai công ty này vẫn còn mật thiệt. Tại thời điểm cuối quý 3/2016, phải thu của DPM tại PVtex là 108,4 tỷ đồng.
Bình luận