Gần một tuần qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ PetroVietnam Landmark (quận 2, TP HCM) đứng ngồi không yên khi Công ty Cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Công ty PVCLand), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark bị phong tỏa tài sản giữa lúc đang bàn giao căn hộ cho khách hàng. Ngay sau đó, quyết định mở thủ tục phá sản cũng được tống đạt trực tiếp theo yêu cầu của chủ nợ.
Chủ nợ của PVCLand là bà Trần Thị Châu Giang, một trong những khách hàng mua căn hộ trong dự án PetroVietnam Landmark từ năm 2010.
Bà Giang đóng đủ tiền theo hợp đồng nhưng không được nhận nhà đúng hẹn đã khiếu kiện đòi lại tiền. Theo kết luận của bản án phúc thẩm năm 2016, tổng số tiền cả nợ gốc và lãi phạt chậm giao nhà nhiều năm qua PVCLand phải trả cho bà Giang là 2,62 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm ngoái, công ty chỉ trả cho bà Giang 300 triệu đồng. Để đòi nợ, bà Giang nộp hồ sơ yêu cầu chủ đầu tư phá sản, phong tỏa tài sản và mở thủ tục phá sản đối với PVCLand.
Cùng với bà Giang, còn 2 trường hợp khác là khách hàng tên Hà và Huy, cũng thắng kiện chủ đầu tư nhưng không được PVCLand trả đủ tiền. Hai trường hợp này đều được cơ quan thi hành án ra quyết định phong tỏa tài sản đối với phần đất thực hiện dự án PetroVietnam Landmark.
Việc phong tỏa toàn bộ dự án, sau đó là quyết định mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư, đã khiến hàng trăm khách hàng đang chờ bàn giao chung cư lo ngại nguy cơ mất nhà hoặc tiếp tục bị trì hoãn thời gian nhận căn hộ.
Ông Thanh, ngụ quận 7 (TP HCM) đã đóng 90% giá trị hợp đồng, tương đương 1,8 tỷ đồng nhưng chưa có thông báo nhận nhà cho hay vô cùng bối rối và lo lắng về diễn biến liên quan đến PVCLand.
Ông chia sẻ với VnExpress vào chiều 2/3: "Tôi hoang mang vô cùng, càng bất an nếu thời gian bàn giao nhà bị kéo dài thêm vì đã chờ đợi quá lâu rồi. Tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình nếu PVCLand bị phá sản?".
Lo ngại của ông Thanh cũng là nỗi hoang mang của hàng trăm khách hàng khác đang nóng lòng chờ nhận căn hộ PetroVietnam Landmark. Bởi lẽ, nếu mở thủ tục phá sản và bước vào giai đoạn cuối là tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp sẽ bị bán đấu giá để trả nợ.
Đại diện Công ty PVCLand - ông Lương Đình Thành khẳng định với VnExpress sáng 3/3 rằng công ty không mất khả năng chi trả như các quyết định của Thi hành án và Tòa án vì khoản nợ là rất nhỏ. Vị này xác nhận các quyết định phong tỏa tài sản và mở thủ tục phá sản ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của PVCLand và gây bất an cho khách hàng chờ nhận nhà. "Chúng tôi sẽ xúc tiến làm việc với tòa án để tìm hướng giải quyết", ông nói.
Trả lời về việc trì hoãn trả khoản nợ rất nhỏ, ông Thành trần tình, khi diễn ra phiên phúc thẩm liên quan đến khách hàng Trần Thị Châu Giang, ông chưa tiếp nhận vụ việc nên không nắm rõ.
Quan điểm của PVCLand, chỉ đồng ý trả lại cho bà Giang nợ gốc 1,9 tỷ đồng, đã thanh toán 300 triệu đồng năm 2016 nhưng không chấp nhận trả lãi phạt chậm giao nhà trong 5-6 năm qua theo bản án phúc thẩm.
Tổng số tiền cả nợ gốc và lãi phạt chậm giao nhà nhiều năm qua PVCLand phải trả cho bà Giang theo bản án phúc thẩm là 2,62 tỷ đồng.
Ông Thành cho hay, công ty đã làm thủ tục giám đốc thẩm để xem xét lại bản án phúc thẩm. Nếu án giám đốc thẩm xử PVCLand sai, doanh nghiệp sẽ trả đầy đủ nợ gốc và lãi phạt. Hiện chưa có kết luận cuối cùng nên chưa thể trả tiền cho bà Giang.
Về việc xử lý tình huống Tòa án Nhân dân TP HCM mở thủ tục phá sản cũng như phong tỏa tài sản công ty, ông Thành thừa nhận bất ngờ khi tiếp nhận quyết định.
"Vì không nắm rõ luật, tôi sẽ tham vấn luật sư và sẽ trả lời vấn đề này sau. Theo kế hoạch, công ty sẽ bàn giao nhà cho khách hàng chậm nhất là tháng 10/2017", ông Thành nói.
Video: Nhà đầu tư giấu mặt người nước ngoài núp bóng mua bất động sản ven biển Đà Nẵng
Xác định về tình trạng của PVCLand sau những diễn biến vừa qua, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Linh - Nguyễn Sa Linh cho biết, Luật Phá sản quy định sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán, Quản tài viên, đơn vị quản lý, thanh lý tài sản.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM - Lê Hoàng Châu cho rằng quyết định mở thủ tục phá sản PVCLand là trường hợp đầu tiên một khách hàng mua căn hộ dùng kiến thức luật pháp để bảo vệ mình trước chủ đầu tư chậm bàn giao nhà dài hạn. Đây là một tín hiệu cho thấy khách hàng ngày càng chủ động, có phương án tự vệ trước những chủ đầu tư vi phạm pháp luật.
Ông Châu đánh giá, những khách hàng nào đã đóng 70-90% giá trị hợp đồng nhưng chưa được PVCLand giao nhà đang chịu thiệt thòi vì còn đó nỗi lo quyền lợi bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, nếu xảy ra kịch bản chủ đầu tư bị tuyên bố phá sản, việc trả nợ sẽ tiến hành theo thứ tự ưu tiên, tức người nào có đơn kiện tụng, xác nhận là chủ nợ sẽ được trả tiền trước.
Thống kê chưa đầy đủ của PVCLand, hiện nay dự án PetroVietnam Landmark đã bàn giao 150 khách hàng trên tổng số hơn 400 khách hàng mua căn hộ. Những khách hàng còn lại dự kiến được bàn giao nhà chậm nhất tháng 10/2017. Chủ đầu tư xác nhận dự án đủ điều kiện bàn giao nhà nhưng chưa xuất trình các văn bản nghiệm thu.
Theo một chuyên gia bất động sản quan sát thị trường 20 năm qua, trong trường hợp này, khách hàng đã và đang nhận nhà PetroVietnam Landmark phải tự bảo vệ an toàn tính mạng của mình bằng cách yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các văn bản nghiệm thu. Đó là báo cáo hoàn thành xây dựng công trình; giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng chống cháy, nổ; an toàn môi trường; an toàn vận hành và kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
PetroVietnam Landmark là tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP HCM gồm hơn 400 căn hộ. Năm 2009-2010 giá bán trung bình 23,8 triệu mỗi m2, nhưng tháng 10/2011 hạ xuống còn 15,5 triệu đồng.
Mục đích chủ đầu tư bán tháo để thu hồi tiền trả nợ ngân hàng. Khách mua nhà giảm giá phải đóng 100% giá trị hợp đồng nhưng nhiều năm qua dự án đình trệ.
Trong quá trình bị khách hàng kiện đòi nhà năm 2013-2017, PVCLand "lộ tẩy" bán căn hộ trái luật, thế chấp tài sản nhưng khi bán cho khách hàng, thu đủ tiền mà không thực hiện giải chấp.
Bình luận