Tổng thống Nga vừa ký duyệt nội dung cập nhật của Chiến lược an ninh quốc gia, trong đó mô tả sự mở rộng ảnh hưởng của NATO là nguy cơ an ninh đe dọa nước Nga.
Theo BBC, nội dung chiến lược an ninh quốc gia của Nga cho rằng, “chính sách đối nội và đối ngoại độc lập” của Nga đã làm dấy lên những động thái phản kháng từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Ông Putin xác định NATO là nguy cơ đe dọa an ninh Nga - Ảnh: EPA |
Nga buộc tội các quốc gia này đã cố ý tranh giành ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu.
Cuộc xung đột tại Ukraine, bắt đầu năm 2014, đã làm cho mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi.
Nội dung cập nhật của Chiến lược an ninh quốc gia (văn bản này được cập nhật sáu tháng 1 lần) do tổng thống Nga Putin ký duyệt ngày thứ năm, 31/12, là văn bản mới nhất trong một loạt động thái chỉ trích NATO.
Năm 2014, Nga tuyên bố thay đổi học thuyết quân sự, có tính toán tới vấn đề khủng hoảng ở Ukraine và sự hiện diện của NATO tại Đông Âu.
Khi đó cố vấn điện Kremlin, Mikhail Popov, cho rằng, việc NATO mở rộng ảnh hưởng trong những năm gần đây cho thấy, liên minh quân sự này đang ngày càng tiến gần hơn tới các vùng biên giới của Nga và cho thấy “nguy cơ từ bên ngoài” đối với nước Nga.
Chiến lược an ninh quốc gia mới cập nhật của Nga cho biết, Nga sẽ tăng cường sức mạnh quân đội nước này “căn cứ vào thực tế những nguy cơ mới đe dọa an ninh quốc gia đang có nhân tố phức tạp và có liên đới với nhau”.
Nga cũng nói việc NATO tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng sát biên giới Nga là “vi phạm các điều khoản của luật pháp quốc tế”.
Nga cho biết nước này đang củng cố sức mạnh quân sự trong bối cảnh nguy cơ an ninh đe dọa bên ngoài - Ảnh: AP |
Nhà báo Bridget Kendall của BBC cho rằng, thông qua các hoạt động can thiệp quân sự tại Syria và Ukraine, nhà lãnh đạo Nga muốn khẳng định sức mạnh quân sự của Nga, để thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng nhận ra Nga là một đối tác bình đẳng và cần phải đáp ứng những lợi ích của họ.
Nhà báo của BBC cũng nhận định ông Putin muốn phương Tây thừa nhận, nước Nga có quyền hành xử với các nước láng giềng thời hậu Xô Viết như là một phần trong vùng ảnh hưởng của họ, dứt khỏi những liên hệ với NATO và với bất cứ liên minh nào do phương Tây lĩnh xướng.
Cùng với đó, tổng thống Nga cũng đang tìm kiếm những đòn bẩy nhằm làm suy yếu mối quan hệ giữa châu Âu với Mỹ, để hy vọng một ngày nào đó, Nga trở thành đối tác chiến lược chính của châu Âu.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận