• Zalo

PTT Vũ Đức Đam: Thay đổi ‘lối nghĩ, cách làm’ trong đào tạo văn hoá, nghệ thuật

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 12/09/2017 18:16:00 +07:00Google News

Đây là vấn đề được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên trong lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, sáng 12/9.

Chia sẻ với thầy và trò Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội về khát vọng “đưa Việt Nam sánh vai cùng năm châu bè bạn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bên cạnh phát triển kinh tế thì đặc biệt phải giữ gìn, bồi đắp, trao truyền lại cho thế hệ sau những di sản văn hoá quý báu đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc, các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Sứ mệnh của các trường nghệ thuật là không chỉ tạo ra nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu giải trí về tinh thần của nhân dân mà còn là định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, góp phần sáng tạo ra những tác phẩm đỉnh cao trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc và đóng góp chung vào kho tàng di sản văn hoá của nhân loại.

1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các trường nghệ thuật phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, quản trị. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

“Văn hoá còn thì dân tộc còn và nhiều nền văn hoá cùng phát triển thì nền văn minh của nhân loại mới tiếp tục toả sáng. Nhưng nếu chỉ bằng các cách làm như trước đây thì rất khó đạt được kỳ vọng của chính chúng ta. Thế giới thay đổi, đất nước thay đổi, chúng ta phải thay đổi rất mạnh mẽ.

Từ những việc trước đây tưởng chừng là đúng bây giờ cũng phải xem xét. Cái mới của ngày hôm nay nhưng ngày mai có thể không còn mới. Những gì là động lực của ngày hôm qua thì ngày hôm nay có thể là sức cản. Với các trường nói chung, đặc biệt là các trường trong khối văn học nghệ thuật, điều này càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết”, Phó Thủ tướng trăn trở.

2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và thầy, trò trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, các trường nghệ thuật phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, quản trị. Bên cạnh cơ chế “nhà nước đặt hàng” những chuyên ngành đào tạo có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh thì các trường nghệ thuật phải tiếp cận xu hướng đào tạo nghệ thuật theo “cơ chế thị trường” một cách lành mạnh như các mô hình xưởng phim thực nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đào tạo kết hợp với cung cấp dịch vụ về nghệ thuật.

Bên cạnh đó, phải hướng tới việc xây dựng một ngành công nghiệp văn hoá có giá trị ngày càng cao, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam.

“Đây là điều tất cả chúng ta cần suy nghĩ, có lộ trình cần thiết để thực hiện. Vạn sự khởi đầu nan, thành công từ bước đi ban đầu không chỉ đem lại lối nghĩ, cách làm mà quan trọng là đem lại niềm hứng khởi, niềm tin cho tất cả mọi người”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTT&DL tập trung làm việc với các trường nghệ thuật để tháo gỡ vướng mắc, xóa bỏ những quy định hành chính theo kiểu "cầm tay chỉ việc" để các trường thực sự được tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm.

Từ đó phát huy sự sáng tạo, năng động của nhà trường, từng khoa, từng bộ môn và truyền tinh thần đề cao sáng tạo nghệ thuật cá nhân đến mỗi thầy, cô giáo, mỗi sinh viên. Chỉ bằng cách đấy các trường nghệ thuật nói riêng và nền văn hoá, nghệ thuật nước nhà, trong đó có sân khấu, điện ảnh mới phát triển mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng tin tưởng với bề dày thành tích và truyền thống quý báu, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh và góp phần phát triển nền sân khấu điện ảnh, thiết kế mỹ thuật nói riêng và nền văn hoá nghệ thuật nói chung của Việt Nam trong thời gian tới.

Minh Trang
Bình luận
vtcnews.vn