• Zalo

PTT Vũ Đức Đam: Có nước nào mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau như Việt Nam?

Đời sốngThứ Hai, 09/11/2020 21:21:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Phó Thủ tướng cho rằng hiện tượng đạo đức xuống cấp đáng báo động nhưng không phải vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội, con người Việt Nam một cách thiếu công bằng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về đạo đức xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là vấn đề lớn và liên quan tới tất cả mọi người.

Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp như đại biểu đã nói trong câu chất vấn là có thật. Nhiều tài liệu đánh giá xuống cấp đáng báo động ở một số mặt, thể hiện rõ ở tội phạm, các hành vi bị đồng tiền chi phối, gian dối, không trung thực, biểu hiện ở một số giá trị của văn hoá truyền thống bị mai một”, Phó Thủ tướng nói.

PTT Vũ Đức Đam: Có nước nào mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau như Việt Nam? - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Nhưng khi đánh giá về hiện tượng thì cần nhìn ở hai mặt, Phó Thủ tướng nhận định. Ông cho rằng xuống cấp bắt đầu thấy rõ hơn từ khi đổi mới sang cơ chế thị trường. Song những điểm lớn nhất của đạo đức xã hội được tổng hợp lên bởi nhân dân, có 5 điểm được thế giới ghi nhận.

Thứ nhất, nhân dân nước nào yêu nước và có tinh thần dân tộc hơn Việt Nam mình? Việt Nam không dám nói hơn nhưng không kém quốc gia nào.

Thứ hai là tình yêu thương đồng loại. “Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến vậy”, Phó Thủ tướng ca ngợi.

Thứ ba là người dân luôn hòa ái, cởi mở, thân thiện, giúp Việt Nam luôn luôn là điểm đến hấp dẫn của du lịch. Chúng ta tự hào có giá trị đó.

Bốn là tình yêu lao động, chịu thương chịu khó. Theo Phó Thủ tướng, nếu không có đức tính này, Việt Nam không thể thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển như hôm nay.

Cuối cùng, là tinh thần vươn lên và đức hiếu học được nhân dân Việt Nam thể hiện rất rõ. “Như vậy để thấy, các hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội là đáng báo động, nhưng không phải vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội và con người Việt Nam một cách thiếu công bằng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để khắc phục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Từ những đánh giá này, ông Đam cũng chỉ ra những nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, từ mặt trái của kinh tế thị trường, mạng xã hộiđến yếu kém của văn hóa, giáo dục. 

Phó Thủ tướng cho rằng muốn góp phần cho cái tốt nhiều lên, cái xấu giảm đi thì phải làm cho toàn dân hiểu rõ cái gì tốt, cái gì xấu. 

Việc xử lý nghiêm minh bằng pháp luật là biểu hiện của văn hoá đạo đức, nhưng suy cho cùng cũng là bề nổi. Phó Thủ tướng cho rằng phải vận động, tuyên truyền mọi người để tự điều chỉnh hành vi, đạo đức của mình mới là nền tảng.  

Vấn đề thứ ba, là nêu gương. Ông nhấn mạnh phải nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, người cao hơn nêu gương cho người thấp hơn, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Thứ tư, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới các ngành nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, điều mà nếu thực hiện tốt sẽ giúp cái tốt nảy nở thêm trong cuộc sống.

Kết lại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đất nước phải tập trung quan tâm tới vấn đề văn hoá, xã hội.

Đây là nhược điểm phổ biến của tất cả các nước đang phát triển. Khi bị sức ép từ tăng trưởng kinh tế thì những vấn đề về xã hội, văn hóa, đạo đức, là vấn đề chưa làm ra tiền trong ngắn hạn, chưa cháy nhà chết người nên dễ bị coi nhẹ”, Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng mong các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, không chỉ là nguồn lực đầu tư, con người mà cả thời gian, tâm sức để dân tộc Việt Nam tiếp tục tự hào với truyền thống văn hiến, xứng đáng với truyền thống cha ông ta để lại.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn